Cách đây 55
năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã về cõi vĩnh hằng. Di chúc
của Người để lại là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh tinh hoa, tư tưởng
đạo đức, nhân văn, tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân, anh hùng giải phóng dân
tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
Chủ nghĩa nhân đạo, tư tưởng nhân
văn, triết lý nhân sinh thấm đượm trong di chúc của Người đó là lấy thực tiễn
làm điểm xuất phát, lấy giải phóng và sự phát triển của con người là mục tiêu.
Đó là một triết lý hành động, đạo lý làm người, đạo lý làm việc. Người xác định
“Đầu tiên là công việc đối với con người”. Người căn dặn, mọi công việc
đều hướng vào phục vụ con người, làm cho con người được phát triển toàn diện,
để con người làm chủ bản thân, có tự do, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Theo
Người, đó là công việc nhất thiết phải làm, dẫu khó khăn phức tạp đến mấy cũng
phải ra sức làm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong
phòng làm việc tại Căn cứ Việt Bắc
(Nguồn: https://backan.gov.vn/)
Đối với những người đã dũng cảm hy
sinh một phần xương máu của mình (thương binh, bệnh binh…) trong sự nghiệp đấu
tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, chúng ta phải bằng mọi cách chăm sóc,
tạo điều kiện nơi ăn chốn ở yên ổn, mở lớp dạy nghề thích hợp để họ có hành
trang cần thiết trong cuộc sống. Đối với những người đã hy sinh, mỗi địa phương
cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm để mãi mãi ghi nhớ sự hy sinh anh dũng của
họ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ hiện nay và mai sau.
Khi gia đình, người thân của thương binh, liệt sĩ gặp khó khăn, chính quyền địa
phương phải giúp đỡ họ, quyết không để họ thiếu thốn. Đối với nông dân, Người
đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm, để đồng bào thêm niềm phấn khởi, đẩy
mạnh sản xuất sau nhiều năm đã liên tục ra sức góp người, góp của, chịu đựng
khó khăn gian khổ vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự
do cho Tổ quốc…
Xuất phát từ triết lý nhân sinh sâu
sắc, thấm đượm tư tưởng nhân đạo và tính nhân văn khi để lại cho chúng ta trong
bản di chúc thiêng liêng, với lòng mong muốn khôn nguôi là “Xây dựng một
nước Viêt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần
xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Người đề xướng một chính sách
xã hội chu đáo, toàn diện với con người. Người không chỉ quan tâm đến đời sống
nhân dân mà trên hết là chăm lo giáo dục, đào tạo họ, làm cho họ trở thành lực
lượng nòng cốt xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Người yêu cầu
chúng ta sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh mới, đặc biệt là
chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, giáo
dục tinh thần yêu nước cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ thành những
người thừa kế xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu nhi đồng
(Nguồn ảnh: https://www.bqllang.gov.vn/)
Triết lý nhân sinh của Người là sự
gắn kết giữa chủ nghĩa nhân đạo cao cả với tư tưởng nhân văn sâu sắc. Cội nguồn của chủ nghĩa nhân đạo và
tính nhân văn ấy là truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam, kết hợp với
truyền thống nhân ái của nhân loại. Nội
dung cốt lõi của chủ nghĩa nhân đạo và tư tưởng nhân văn ấy là lòng thương
yêu, quý trọng con người, gắn với lòng yêu nước nồng nàn. Mục tiêu cao cả của chủ nghĩa nhân đạo và tính nhân văn ấy là giải
phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Phương thức thực hiện của chủ nghĩa nhân văn ấy là hành động, hoạt
động thực tiễn cách mạng.
Được sinh ra và nuôi dưỡng bởi một
dân tộc có truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, có nền văn hóa
nhân bản và khát vọng cháy bỏng về một cuộc sống tốt đẹp, song lại phải hứng
chịu nỗi bất công bởi sự áp bức bóc lột của chủ nghĩa thực dân, Nguyễn Ái Quốc
đã sớm nhận ra nỗi đau của người dân mất nước, nỗi nhục của kiếp đời nô lệ.
Người ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc từ nỗi đau, thương người,
không cam chịu áp bức bất công, từ những suy nghĩ mang tính nhân đạo, nhân văn,
coi con người sinh ra ai cũng có quyền sống bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc. Mục
tiêu không bao giờ thay đổi ở Người là giải phóng dân tộc, giải phóng con
người, đem lại cho dân tộc quyền tự do, bình đẳng trong phát triển, làm cho
đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, được sống trong
niềm vui hạnh phúc.
Sự giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nguồn ảnh https://www.bqllang.gov.vn/)
Với tư tưởng hiện thực đó, triết lý
nhân sinh của Người đã trở thành một triết lý nhân sinh hành động. Con người
không thể mưu cầu hạnh phúc cho mình bằng cách ngồi yên trông chờ sự ban phát
từ đâu đó ở bên ngoài mà phải bắt tay hành động, tiến hành hoạt động thực tiễn
để tự mình giành lấy hạnh phúc cho mình, cho dân tộc. Theo Người, chủ nghĩa nhân
đạo, tư tưởng nhân văn phải được thể hiện thành hành động, thành hoạt động thực
tiễn cách mạng theo triết lý nhân sinh hành động.
Tư tưởng vì con người của Bác quả là
xưa nay hiếm. Nếu không có một triết lý nhân sinh hành động, chủ nghĩa nhân đạo
cao cả và tư tưởng nhân văn sâu sắc ở Người thì không thể có được quan điểm vì
con người mà quên cả thân mình như thế. Người cho rằng, mục tiêu số một khi đất
nước còn đắm chìm trong ách nô lệ là giải phóng dân tộc, khi đất nước đã được
độc lập thì mục tiêu hàng đầu, nhiệm vụ trung tâm là xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chủ nghĩa xã hội trước hết phải là xã hội vì con người, chính triết lý nhân
sinh đó đã hun đúc ở Người niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của công cuộc xây
dựng Chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Với triết lý nhân sinh đó, trước khi
trở về cõi vĩnh hằng, Người tin rằng còn non, còn nước, còn người thì công cuộc
xây dựng xã hội mới, công cuộc đấu tranh chống lại những gì đã cũ, hư hỏng
(quan liêu, tham những, lãng phí…) để tạo ra những cái mới tốt đẹp, dù rất to
lớn, nặng nề và phức tạp, song thắng lợi là điều chắc chắn./.
Trọng Tá