Ngày 10-6-2024, tại phủ Tổng Thống Ba
Lan đã tổ chức trang trọng lễ phong tặng hàm Giáo sư Quốc Gia. Theo truyền
thống, Tổng thống Ba Lan, Andrzej Duda (Tiến sĩ ngành Luật), trao tận tay quyết định
do ông ký cho
các nhà khoa học được phong hàm. Một vinh dự lớn cho các nhà khoa học và cộng
đồng Việt Nam tại Ba Lan là trong đợt phong học hàm lần này có một nhà khoa học gốc Việt là bà
Nhữ-Tarnawska Hoa Kim Ngân.
Bà Kim
Ngân là nữ khoa học gốc Việt đầu tiên và là
nhà khoa học gốc Việt thứ năm tại Ba Lan nhận được vinh dự này.
Bên trái: Giáo sư Quốc gia Nhữ-Tarnawska Hoa
Kim Ngân chụp chung với Tổng thống Ba Lan, Andrzej Duda. Ảnh được đăng trên
trang mạng của Tổng Thống. Bên phải: Quyết định phong hàm Giáo sư Quốc gia cho
Bà Nhữ-Tarnawska do Tổng Thống Ba Lan ký ngày 4 tháng 1 năm 2022. (Do đại dịch
COVID-19 nên lễ trao tặng học hàm bị hoãn 2 năm.)
Bà Kim Ngân tốt nghiệp ngành vật lý tại Đại học Tổng Hợp Hà Nội, nay là Đại học khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại
học, bà bắt đầu sự nghiệp khoa học của mình tại phòng thí nghiệm vật lý nhiệt độ thấp, khoa Vật lý của
trường. Sau đó bà tham gia nghiên cứu tại Viện Natuurkundig Laboratorium, trường
Đại học Amsterdam, Hà Lan. Bà là người Việt đầu tiên đã bảo vệ thành công luận
án Tiến sĩ tại Amsterdam vào năm 1993, ngành Vật lý và Thiên văn. Năm 2004, bà đạt bằng Tiến sĩ khoa học ngành Vật lý tại Krakow.
Sự nghiệp khoa học và giảng dạy của bà gắn liền với trường đại học sư
phạm tại Krakow (hiện là Đại
học Ủy ban Giáo dục Quốc gia, Krakow (University of the National Education Commission,
Krakow)). Bà là nữ giáo
sư quốc gia về vật lý đầu tiên trong toàn bộ lịch sử gần 80 năm của trường. Bà đã công bố gần 150 bài báo khoa học trên tạp chí uy
tín thuộc danh mục ISI/Scopus, xuất bản một cuốn sách chuyên đề (tiếng Ba Lan) và một cuốn sách
về lịch sử khám phá ra hiệu ứng phân hạch hạt nhân (bằng tiếng Anh, đã được dịch
sang tiếng Thụy Điển và tiếng Nhật).
Bà chuyên sâu về Khoa học Vật liệu và Cấu
trúc Nano. Bà đã xây dựng phòng thí nghiệm cấu trúc Nano từ nguồn tiền tại trợ
từ hội đồng châu Âu trong chương trình phát triển và đổi mới trường Sư phạm Krakow, dành
cho sinh viên và nghiên cứu sinh làm quen với chuyên nghành mới này.
Ngoài nghiên cứu khoa học, bà tham gia giảng dạy
thường niên cho sinh viên và nghiên cứu sinh, bằng tiếng Ba Lan và tiếng Anh. Bốn
Nghiên cứu sinh và gần 30 thạc sĩ đã bảo vệ thành công luận án dưới sự hướng dẫn
của bà. Bà còn là một người tổ chức nhiều kinh nghiệm, đã tổ chức và là chủ tọa
nhiều hội nghị khoa học quốc tế chuyên sâu. Bà tham gia và trình bày trong hơn
60 hội nghị quốc tế, trong đó có 10 báo cáo mời (invited speaker). Bà cộng tác
nghiên cứu khoa học với rất nhiều viện nghiên cứu ở Tiệp, Đức, Hà Lan, Tây Ban
Nha, Pháp, Thụy điển và Nhật Bản. Bà chủ trì 4 đề tài nghiên cứu quốc tế và đã
tổ chức và chủ trì 7 hội nghị chuyên đề quốc tế.
Bà Kim Ngân nhận giải thưởng Hiệu trưởng của
trường ĐHSP Krakow năm 2022
Bà là nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học
ngành Vật lý và là Chủ nhiệm chương trình đào tạo Nghiên cứu sinh ngành Vật lý
của trường ĐHSP Krakow.
Bà đã được nhiều lần đạt Giải thưởng Hiệu trưởng cho
thành tựu nghiên cứu khoa học, và Huân Chương của Ủy Ban Giáo dục Quốc gia, bộ
Giáo dục Ba Lan cho thành tựu giảng dạy của mình.
Bà có quan hệ hợp tác khoa học chặt chẽ, chịu
trách nhiệm về hợp tác hai bên ký kết giữa trường ĐHSP Krakow và viện Vật lý và
viện Khoa học Vật liệu, viện Khoa học công nghệ Việt Nam tại Hà Nội.
Bà là thành viên của Ban chấp hành hội khoa học
và công nghệ Việt Nam tại Ba Lan, tham gia tích cực vào hoạt động của hội, đặc
biệt là tổ chức hội thảo khoa học hàng năm cho sinh viên Việt Nam tại Ba Lan. Ngoài
công việc, bà rất đam mê trượt tuyết và đã nhiều lần đạt giải ở các cuộc thi do
các trường đại học tổ chức. Bà là tấm gương về đam mê cống hiến cho khoa học và
đào tạo thế hệ trẻ cho tương lai.
Chia sẻ sau khi nhận vinh dự này, Giáo sư Kim
Ngân cho biết: “Cảm xúc đầu tiên là tự hào là người Việt Nam đã nhận được vinh
dự này. Lập nghiệp tại nước ngoài luôn phải vượt không chỉ những khó khăn chủ
quan mà rất nhiều khó khăn khách quan (khó hơn nhiều so với những người sống tại
nước sở tại. Nên bất cứ thành công nào của người Việt nói chung, đặc biệt là của
những nhà khoa học người Việt nói riêng, đều là minh chứng cho sự chăm chỉ, cần
cù và rất cầu tiến của người Việt chúng ta. Tôi tự hào là được ''đứng trong
hàng ngũ'' này (các nhà khoa học gốc Việt lập nghiệp ở nước ngoài).
Ngọc Lý