Hơn 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên
Hòa, Đồng Nai tuy không dài so với hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân
tộc, nhưng những thành tựu về kinh tế - xã hội, văn hóa mà địa phương mang lại
thật đáng trân quý và tự hào, góp phần cho bề dày bản sắc văn hóa dân tộc Việt
Nam. Một trong những di sản đáng quý, đó là gốm Biên Hòa
Nghề gốm và sản phẩm gốm Biên Hòa xuất phát từ nhu cầu
cuộc sống và lao động của người dân địa phương. Sự phát triển của nghề gốm Biên
Hòa thể hiện tiến trình lao động, sản xuất, tìm tòi sáng tạo của nhiều thế hệ
cũng như trình độ và chất lượng cuộc sống của các thế hệ cư dân. Đó là sự dung
hợp từ kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất gốm của cư dân bản địa, tiếp thu kỹ thuật
tạo tác từ gốm Cây Mai (Sài Gòn - Chợ Lớn) và kỹ thuật làm gốm của người Việt từ
ngũ Quảng mang theo từ cuối thế kỷ XVII, hợp cùng kỹ thuật chế tác gốm của
người Hoa từ sau năm 1679, tạo nên kỹ thuật chế tác gốm đặc sắc của Biên Hòa
với nhiều lò gốm nổi tiếng khu vực ven sông Đồng Nai.
Nhà giáo Đinh Công Lai, Nguyên Trưởng Khoa Gốm, Trường
Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai bên các tác phẩm gốm truyền thống do chính
ông chế tác
Sự tiếp biến văn hóa trên lĩnh vực sản xuất gốm Biên Hòa
còn thể hiện một cách sinh động khi những nghệ nhân Biên Hòa tiếp thu kinh
nghiệm về kỹ thuật sản xuất, tạo tác khi tiếp xúc văn hóa phương Tây vào những
năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, với sự ra đời của Trường Mỹ nghệ Biên Hòa (năm
1903) - tiền thân của Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai ngày
nay.
Đặc biệt từ năm 1923, khi ông bà Balick - những chuyên
gia về gốm của Pháp về phụ trách nhà trường; cùng với các nghệ nhân gốm Biên Hòa,
ông bà đã đưa những kỹ thuật mới, chính xác trong việc nghiên cứu về nguyên
liệu gốm, nguyên liệu chất đốt, kỹ thuật chế tạo men từ nguyên liệu thô tại địa
phương… để hình thành nên dòng gốm Biên Hòa từ màu men lam đặc trưng, với những
mẫu, những hoa văn, hình vẽ trên gốm thể hiện đời sống lao động của người địa
phương và truyền thống văn hóa dân tộc, không thể lẫn với những dòng gốm khác.
Sản phẩm gốm mỹ nghệ Biên Hòa được xuất khẩu sang các
nước Châu Âu
Việc sử dụng kỹ thuật khắc vạch, khoét thủng, chạm
lộng với kỹ thuật tô màu, vẽ men nhiều màu kết hợp bàn tay tài hoa của nghệ
nhân Biên Hòa cũng đã tạo ra nhiều kiểu dáng gốm phong phú về đề tài, hoa văn
trang trí (vừa hiện đại vừa truyền thống). Ngoài việc đào tạo những nghệ nhân
lành nghề, Trường Mỹ nghệ Biên Hòa còn thành lập Hợp tác xã mỹ nghệ Biên Hòa quy
tụ nhiều nghệ nhân để sản xuất và giới thiệu các sản phẩm được giới nghiên cứu,
khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng thông qua những cuộc “đấu xảo” ở Pháp,
Indonesia và nhiều nước khác trên thế giới. Nhiều tác phẩm tranh gốm, phù điêu
gốm của nghệ nhân Biên Hòa xuất thân từ Trường Mỹ nghệ Biên Hòa hiện nay vẫn
hiện diện với nhiều công trình văn hóa, nghệ thuật tại các tỉnh trong và ngoài nước.
Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thi tướng Huỳnh
Văn Nghệ qua các tác phẩm tranh ghép gốm Biên Hòa của Họa sĩ
Mai Văn Nhơn
Ngày nay, sản phẩm gốm Biên Hòa khá phong phú và đa
dạng về màu sắc, kiểu dáng, chủng loại; thể hiện sự kết hợp tài tình giữa truyền
thống và hiện đại, hiện diện khắp mọi nơi, từ nơi công cộng, công sở đến mỗi
gia đình. Đó là sản phẩm độc đáo từ những bàn tay tài hoa của đội ngũ nghệ nhân
lành nghề gốm Biên Hòa. Sản phẩm còn độc đáo hơn khi ghi dấu chiều dài lịch sử,
văn hóa của một vùng đất “gian lao và anh dũng” - vùng đất Biên Hòa, Đồng Nai./.
Trọng Tá