Họ là 5
sứ giả đến từ các quốc gia Lào, Malaysia, Úc, Đức, Bỉ. Trong những năm qua, họ miệt mài gieo trồng tình yêu tiếng Việt đi khắp
muôn nơi.
Sứ giả tiếng Việt Nguyễn Thuỳ Liên (Malaysia)
Sau 12
năm dạy trung
học phổ thông tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh,
chị Nguyễn Thị Liên sang Malaysia cùng gia đình. Năm 2016, chị đã
vận
động, tổ chức và trực tiếp dạy các lớp tiếng Việt miễn phí đầu tiên trong cộng
đồng người Việt Nam tại Malaysia và thành lập Câu lạc bộ Tiếng
Việt tại Malaysia.
Từ một đến hai
lớp học nhỏ lẻ ở Kuala Lumpur, hiện nay lớp học
của chị đã thu hút nhiều học sinh là con em trong cộng
đồng người Việt Nam ở khắp các bang: Johor, Penang, Kuan Tan, Selangor… Chị cũng giữ
vai trò tổ chức chính các hoạt động ngoại khóa cho học sinh trong những dịp đầu
xuân mới, quốc tế thiếu nhi (1/6), tết
trung
thu… hàng năm thông qua các tiết mục văn
nghệ, biểu diễn áo dài, trò chơi dân gian Việt Nam làm trọng tâm, nhằm tạo
không gian giao
lưu tiếng Việt, gìn giữ nét đẹp của văn hóa Việt cho các cháu học sinh trong cộng đồng người Việt tại Malaysia.
Trong đại dịch
Covid-19, chị đã thử
nghiệm tổ chức thành công việc chuyển đổi hình thức dạy học từ trực tiếp sang
trực tuyến. Duy trì hoạt động cũng như mở rộng quy mô của Câu lạc bộ Tiếng Việt
tại Malaysia trong hoàn cảnh dịch bệnh. Từ đây, lớp học không còn hạn chế về
khoảng cách địa lí, học sinh ở xa cùng dễ dàng đăng kí tham gia học trực tuyến
của Câu lạc bộ.
Chị Liên cũng là người tổ
chức và trực tiếp giảng dạy khóa tiếng Việt giao tiếp đầu tiên cho cảnh
sát biển Malaysia trong chương trình hoạt động ngoại giao giữa Đại sứ quán Việt
Nam tại Malaysia và chính quyền nước sở tại. Khóa học đã
kết thúc thành công và được đánh giá cao.
Các sứ giả tiếng Việt: Nguyễn Thuỳ Liên (Malaysia), Trần Hồng Vân (Australia), Nguyễn Thị Thu Huyền (Lào) - từ trái sang
Sứ giả tiếng Việt Thu Huyền
(Lào)
Với mong muốn con
em người Việt Nam tại Lào không chỉ biết nói tiếng Việt tốt mà còn phải
đọc và viết được tốt tiếng Việt, chị Thu Huyền (tên
tiếng Lào là Viengkeo Douangchaleun) hiện đang công tác tại Bệnh viện đa khoa
Hà Nội -
Viêng Chăn đã mạnh dạn xin phép Chùa Phật Tích và Hội người Việt Nam, Thủ
đô Viêng Chăn để mở lớp dạy tiếng Việt miễn phí tại Chùa. Không chỉ dạy miễn
phí cho cả con em kiều bào, lớp của chị Huyền còn dạy cho cả người Lào yêu
thích và mong muốn được học tiếng Việt với 3 buổi trong tuần.
Chị đã tự mua bàn
ghế, sách bút và toàn bộ trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy. Những
ngày đầu đứng lớp dạy, chị có phần rụt rè, nhút nhát và thiếu kỹ năng giảng dạy.
Nhưng với sự quyết tâm được truyền tải tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào cũng
như cộng đồng người Lào, chị Thu Huyền đã không ngừng tự tìm tòi học hỏi qua
các giáo trình giảng dạy tiếng Việt. Ngoài việc mở lớp
dạy tiếng Việt miễn phí, chị còn tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng sử dụng 100%
ngôn ngữ tiếng Việt, trong đó có chương
trình cho thiếu niên nhi đồng có mục hỏi đáp về ca
dao tục ngữ của Việt Nam. Để
góp phần tăng hiệu quả trong việc giảng dạy tiếng Việt, chị cũng đã triển khai
thực hiện mở tủ sách đọc miễn phí tại chùa Phật Tích, Thủ
đô Viêng Chăn, chị đã tự mua kệ và tủ sách, chị cũng đã tìm kiếm
và kêu gọi đóng góp thật nhiều đầu sách về văn hóa,
lịch sử và khoa học của Việt Nam.
Sứ giả Trần
Hồng Vân (Australia)
Mong muốn giữ gìn
tiếng quê hương nơi xứ người, TS Trần Hồng Vân,
Chuyên gia nghiên cứu “Duy trì tiếng mẹ đẻ” thuộc Trường
Đại học Charles Sturt (Australia) đăng ký tham gia dự
án VietSpeech do Hội đồng nghiên cứu Úc Châu tài trợ.
Từ kết quả nghiên
cứu, chị Vân và nhóm VietSpeech đã thử nghiệm chương trình hỗ trợ các gia
đình trong việc giúp con nói và học tiếng Việt có tên SuperSpeech. Chương trình
được thực hiện trực tuyến (do đại dịch Covid-19)
và kéo dài 10 tuần, với sự tham gia của 15 gia đình
trên khắp nước Úc và đã nhận được những phản hồi vô cùng tích
cực và yêu cầu của nhiều gia đình muốn chương trình tiếp tục được
thực hiện. Nhóm VietSpeech cũng cho ra đời cuốn cẩm
nang Multilingual Children (trẻ đa ngữ), tài liệu
miễn phí trực tuyến cung cấp kiến thức cho các gia đình người
Việt sinh sống ở nước ngoài về các chủ đề.
Năm 2021, TS Trần
Hồng Vân đã đề xuất sáng kiến sản xuất chương trình “Cùng
giữ tiếng Việt”,
phát sóng hàng tuần trên sóng Đài SBS Việt ngữ. Thông qua câu chuyện các gia
đình, các bạn trẻ thế hệ thứ hai, thứ ba ở Úc và các nước
trên thế giới, chương trình đã lan tỏa tình yêu tiếng Việt. Đến nay,
chương trình đã sản xuất được gần 70 số, có những số thu hút hơn 10 nghìn thính
giả, cao nhất trong các chương trình phát sóng bằng các ngôn ngữ cộng đồng của Đài.
Từ tháng 3/2023, TS
Trần Hồng Vân đã thành lập Tổ chức thúc đẩy duy trì Ngôn ngữ và Văn hóa Việt có
tên là VietSchool. VietSchool có 3 sứ mệnh chính là
các lớp tiếng Việt sau giờ học (với phương châm dạy tiếng Việt hiện đại) cho học
sinh các trường tiểu học tại khu vực Inner West, Sydney và các lớp tiếng Việt
trực tuyến; đọc sách cùng con,
cung cấp 01
bộ truyện sách tiếng Việt và song ngữ cho 100 gia đình người Việt ở Úc, cùng
video, tài liệu và seminar hướng dẫn cách đọc truyện với con để phát triển tư
duy ngôn ngữ và kết nối với tiếng Việt; chương trình SuperSpeech, khóa huấn luyện
các gia đình biết cách giúp con giữ tiếng Việt và phát triển song ngữ.
Ngoài công việc
nghiên cứu và truyền thông về đề tài “Duy trì tiếng mẹ đẻ”
cho trẻ em gốc Việt ở nước ngoài, TS Trần Hồng Vân cũng tham gia dạy tiếng Việt
tình
nguyện ở Trường Việt ngữ Inner West (2018 - 2019),
Trường Mẫu giáo Montessori (2018 - 2020)
và mở lớp tiếng Việt miễn phí tại nhà cho các cháu nhỏ trong cộng đồng người Việt
ở Croydon, Sydney.
Sứ giả tiếng Việt Đào Thị Châu Hà (Đức)
Sang Đức làm nghiên cứu sinh, lấy chồng người
Đức, rồi sinh con, hoàn cảnh cuộc sống đưa đẩy TS Đào Thị Châu Hà gắn bó với một vùng đất mới. Được sự động viên
của chồng, chị
Châu Hà quyết tâm truyền lại cho
con mình tiếng nói của quê hương. Sử dụng công nghệ và cập nhật tiến bộ của truyền thông trong giảng
dạy và truyền bá tiếng Việt tại Đức, TS Đào Thị Châu Hà đã tạo nên những sản
phẩm sinh động, hấp dẫn cho người học và người xem.
Chị Đào Thị Châu Hà dẫn chương trình Tết Trung
thu 2023 tại Đức. (Ảnh: NVCC)
Chị đã xây dựng kênh Youtube Ms Chery Bear để chia sẻ các video, audio về văn hóa Việt và các bài học tiếng
Việt. Lập ra Câu lạc bộ “Trẻ nói tiếng Việt ở nước ngoài” trên Facebook. Tổ chức các lớp học tiếng Việt trực tuyến cho
con em người Việt Nam ở xa Tổ quốc. Lớp học có học sinh đến từ Đức, Áo và Thụy
Sỹ. Tham gia Dự án Vườn đọc sách (Lesegarten) của
HORAMI - Nhà xuất bản sách song ngữ Đức - Việt tại Đức. Trong dự án này chị đảm
nhiệm vai trò là người đọc sách, Là người dẫn chương trình Podcast. Đọc sách và trò chuyện hàng tuần với các bé trong Câu lạc bộ “Trẻ nói tiếng Việt ở nước ngoài” qua ứng dụng Zoom. Đọc sách cho các bé sống ở Việt Nam qua hoạt
động của Câu lạc bộ đọc sách “Những vì sao”. Sáng tác các bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của tiếng
Việt cũng như các bài thơ ngắn, dễ học giúp các bé vui học tiếng Việt. Trong
bối cảnh môi trường học tiếng Việt của các bé còn nhiều hạn chế không giống với
việc học tiếng Việt ở Việt Nam thì những học liệu này rất hữu ích. Một số bài thơ của chị như “Tiếng quê hương”, “Đối thoại mẹ con”, “Sinh nhật của bé”, “Thế giới của bé”, “Niềm vui của mẹ”. Xây dựng bộ học liệu tiếng Việt với hệ thống câu hỏi trắc nghiệm về
tiếng Việt trên giao diện Quizziz với khoảng 100 bài tập.
Sứ giả tiếng Việt Hellen Ngô (Bỉ)
Helen Ngô (Ngô Đỗ
Thu Hường) từng làm điều phối chính sách ngôn ngữ cho Thành phố Sint Niklaas,
Bỉ. Năm 2021, chị cùng với các đồng nghiệp của mình ở các
nước trên thế giới ra mắt Kênh Việt Happiness Station (Trạm hạnh phúc - Chạm cảm xúc).
Kênh Việt Happiness Station định hướng chuyên về văn hóa, giáo dục,
khoa học. Tất cả xoay quanh kinh nghiệm, trải nghiệm của người Việt xa xứ. Mong
ước của chị và các đồng nghiệp là tạo dựng được một diễn đàn để mọi người
có thể kể những câu chuyện và cảm xúc đời thường, chia sẻ kinh nghiệm làm việc
và hòa nhập cộng đồng, tìm cách thức phù hợp nhất cũng như bớt tổn thương nhất
để sống được trong môi trường mới.
Để tạo điều kiện
cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ gốc Việt ở nước ngoài nói và viết tiếng
Việt, ekip thường
xuyên tổ chức các cuộc thi theo chủ đề về ẩm thực, du lịch, trải nghiệm văn
hóa, kết nối tình yêu gia đình, quê hương… Cụ thể, ekip đã
tổ chức thành công cuộc thi “Nói món Việt cùng con 2021”;
cuộc thi “Du lịch cùng con 2022”; cuộc thi viết “Kênh Việt tìm tác giả cộng đồng
tài năng -
Headhunter 2022”; thí điểm “Trại tiếng Việt mùa
Xuân 2022”; dự án “Tủ sách Việt trong Nhà hàng Việt ở nước
ngoài” giai đoạn I/2023 và dự án “Podcast của tôi -
Chuyện của tôi” 2023… nhằm khuyến khích thanh
thiếu niên người Việt/gốc Việt ở nước ngoài, các du học sinh Việt, biến những
câu chuyện chưa được lắng nghe trở thành câu chuyện được lắng nghe, lan tỏa
những thông điệp tích cực và truyền cảm hứng cho người nghe.
Dự án này cũng đồng hành với thanh thiếu niên
người Việt/gốc Việt ở nước ngoài, du học sinh Việt trong quá trình khám phá bản
thân, chuyển hóa sự khác biệt thành khả năng đặc biệt có giá trị cho cộng đồng.
Dự án “Podcast của tôi - Chuyện của tôi” có quy mô trên toàn thế giới.
Đối tượng tham gia hướng tới thanh thiếu niên người Việt/gốc Việt ở nước ngoài,
hoặc du học sinh Việt đang học ở nước ngoài, từ 13 đến 32 tuổi.
Nguyễn Lý