Tôi may mắn được đi cùng đoàn sang Lào để tham
quan, nghiên cứu, tìm hiểu về một bộ phận người Mường Việt Nam ở bản Đon. Hòa lẫn
trong số những người đón đoàn lần đó, tôi bắt gặp một gương mặt nho nhã có nụ
cười rất hiền và đôn hậu, khuôn mặt với cặp kính cận trông rất tri thức, đó là anh Phu Son Thăm Mạ Vi Say, nguyên Phó tỉnh
trưởng tỉnh Hủa Phăn. Trong
tôi dấy lên một cảm xúc rất lạ, bởi sự giản dị và gần gũi của
anh.
Tháng 10 năm 2023, tôi cùng đoàn trở lại bản
Đon lần thứ 2, với những hoạt động chính là tặng quà, truyền dạy một số hoạt động văn
hóa truyền thống Mường Việt Nam vốn đã bị mai một do xa quê nhiều thế kỷ. Lên kế
hoạch trước khi đi, lần này tôi hẹn với anh nhưng 2 lần đến, anh đều không có nhà. Vợ
anh bảo:
"anh đang ở ngoài ruộng".
Lần thứ ba, tôi đến vào
lúc ba giờ chiều khi anh mới ăn cơm trưa. Mâm cơm làm từ tre đan
mây có chân, đặt luôn trên nền bếp, trên bếp lửa nồi cám vẫn đang sôi sùng sục. Anh vừa ăn vừa thi
thoảng đẩy củi, hình ảnh này chẳng khác nào một người nông dân bình thường ở quê tôi. Liếc nhanh mâm
cơm chỉ có 1 nắm xôi đang ăn dở, bát chẩm chéo (món ăn quen
thuộc của đồng bào Tây Bắc Việt
Nam). Anh hồn hậu nói: "Vừa
đi chăm vịt về, giờ mới ăn đấy". Cất mâm cơm đi, anh mời tôi ngồi uống nước. Vào nhiều nhà dân
ở đây, tôi để ý thấy họ hay tiếp khách ở bếp chứ không mời lên nhà như bên ta. Tuy anh biết tiếng Việt không nhiều, nhưng câu
chuyện của anh tôi cũng hiểu được 90% nội dung.
Người Mường ở bản Đon đánh cồng chiêng
Phu Son Thăm Mạ Vi Say sinh ra và lớn lên ở bản Đon, cha mẹ làm nông, đông anh em, khó khăn về
kinh tế. Bố mẹ anh đều là người Mường, sinh hạ được tất cả 14 người, có đến 8 người chết yểu từ khi còn nhỏ, chỉ
còn lại 6 người. Anh sinh năm 1962, là con thứ 4 trong số 6 người còn lại. Kể
đến đây mắt anh ngấn lệ, anh nói điều kiện y tế kém, kinh tế khó khăn, thời
tiết khắc nghiệt nên bố mẹ anh mất đến 8
khúc ruột.
Gia đình nghèo nhưng thấy con ham học nên bố mẹ
tạo mọi điều kiện để anh học hành. Năm lớp 1, 2 anh còn được học ở trong bản gần
nhà; năm lớp
3, 4 anh phải lên Mường Doong học (cách nhà 4 km), đường đến trường đã khó đi
lại còn nhiều thú dữ, nhưng anh vẫn quyết tâm theo học hết. Bạn bè cùng trang
lứa của anh cứ rơi rụng dần, hết tiểu học cả bản còn lại 8 người theo, học cấp
2 phải ra Sầm Nưa (cách bản 26 km), mọi người bỏ hết chỉ còn duy nhất mình anh
đi học. Năm 1975, học cấp 2, cấp 3 ở Sầm Nưa, anh trọ luôn trên đó, một, hai
tháng mới về thăm nhà; mỗi lần về như vậy phải đi bộ hoàn toàn. Bố mẹ anh ở quê gửi gạo lên
Sầm Nưa để nuôi anh. Năm 1981, Phu Son học xong cấp 3, nhà nước cử những người
có thành tích học tốt sang Liên Xô đào tạo nghề để sau về phục vụ đất nước, anh
được cử sang Uzbekistan học ngành giao thông vận tải.
Năm 1987 học xong, anh trở về làm tại Công ty
vận tải thủ đô Viêng Chăn, sau 2 năm anh chuyển về Sầm Nưa làm việc tại Sở Giao
thông, Vận tải tỉnh Hủa Phăn. Sáu
năm phấn đấu, năm 1993 anh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải
tỉnh phụ trách mảng vận tải.
Vào thời điểm này, Lào có rất nhiều người
nghiện thuốc phiện gây ảnh hưởng xấu đến kinh tế, chính trị, an toàn xã hội.
Nhà nước Lào thành lập Sở Phòng chống, cai nghiện ma túy, Phu Son lại được cử sang sở này làm Phó Giám
đốc từ năm 1999 đến năm 2002.
Một góc bản Đon (bản của người Mường, Việt Nam)
- huyện Sầm Nưa,
tỉnh Hủa Phăn, Lào
Năm 2002, anh làm Chánh Văn phòng huyện, năm
2005 làm Phó Chủ tịch huyện Sầm Nưa, năm 2010 được điều chuyển làm Bí thư kiêm
Chủ tịch huyện Viêng Xay. Từ năm 2016 đến 2020 anh làm Phó Chủ tịch tỉnh Hủa
Phăn và về nghỉ hưu ở bản Đon.
Là người được đào tạo bài bản, năng động trong
công tác nên làm việc gì anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tôi hỏi anh có
bao nhiêu danh hiệu thi đua được Đảng và Nhà nước trao tặng, anh bảo: "Nhiều lắm không nhớ
nổi"
Năm 1989, anh lập gia đình vợ là chị Vát Xa Ná,
công tác tại Sở Y tế tỉnh, anh chị có với nhau 2 cậu con trai, cậu cả sinh năm
1990, cậu thứ sinh năm 2010, cả hai theo nghề bố hiện đều đang công tác tại Sở
Giao thông - Vận tải tỉnh Hủa Phăn.
Người Mường ở bản Đon từ Việt Nam sang Lào từ
nhiều thế kỷ trước đây, nguyên nhân, lý do họ ra đi, đến thời điểm hiện nay
chúng tôi cũng đang trong quá trình nghiên cứu. Theo thông tin từ Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch tỉnh Hủa Phăn cho biết
nhóm người Mường này sang đây từ những năm đầu của thế kỷ XVIII, sinh sống và
tồn tại ở khu vực này từ đó đến nay.
Người Mường ở bản Đon rất
khó khăn về kinh tế, hạ tầng lạc hậu, học vấn thấp. Từ những năm 70 - 80 của
thế kỷ trước có người vượt khó, vượt khổ để học tập và thành đạt như Phu Son
thì không chỉ hiếm trong cộng đồng người Mường ở bản Đon mà còn rất hiếm ở cả
nước Lào. Nói chuyện với tôi về Phu Son, người dân Mường ở bản Đon đều nói: “Phu Son rất tốt và gần
gũi với dân, chúng tôi rất tự hào về anh - người con Mường ở bản Đon làm đến
Phó Chủ tịch của tỉnh!”
Lê Quốc Khánh