Cách đây 3 năm, chị Malychansy Chinny
từ Lào sang Đồng Nai để học ở Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai. Ban đầu, mọi thứ
với chị đều bỡ ngỡ, nhưng từ khi Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Đồng Nai
tổ chức các hoạt động giao lưu, vui chơi giải trí, tham quan địa danh thắng
cảnh… đã giúp chị và nhiều sinh viên Lào khác nhanh chóng hòa nhập.
Sinh viên Lào tại Đồng Nai
tham gia biểu diễn văn nghệ trong chương trình giao lưu do Liên hiệp các tổ
chức hữu nghị tỉnh, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Đồng Nai tổ chức. Ảnh: Sông Thao
Năm 2009, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Đồng Nai chính
thức được thành lập. Đây là hội hữu nghị thành lập sớm nhất trong số 10 hội hữu
nghị thành viên thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh.
* Hướng về thanh niên Lào xa quê
Theo cựu chiến binh Đỗ Đăng Tước, Chủ tịch Hội Hữu nghị
Việt Nam - Lào tỉnh Đồng Nai, để người dân Đồng Nai tham gia vào tổ chức hội,
kết nối được người dân Lào sinh sống ở Đồng Nai cùng tham gia xây dựng cầu nối
Việt - Lào trên địa bàn… là những trăn trở không chỉ của riêng ông, mà còn của
tập thể Ban chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Đồng Nai và Ban chấp
hành Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh.
Từ thực tế đó, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Đồng Nai
xác định việc xây dựng cầu nối hữu nghị, đối ngoại nhân dân phải xuất phát từ
những việc làm cụ thể, giải quyết điều mà hội viên quan tâm, tham gia trợ giúp
điều mà những người bạn Lào cần.
Để sinh viên Lào không nằm ngoài việc xây dựng cầu nối hữu
nghị, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Đồng Nai cùng các chi hội tại trường
cao đẳng, đại học chủ động vận động sinh viên Lào trở thành hội viên danh dự
của tổ chức hội.
Đồng thời, mỗi khi các chi hội, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào
tỉnh Đồng Nai tổ chức hoạt động đều chú trọng mời thanh niên Lào cùng tham gia
không chỉ với vai trò khách mời mà cùng hòa vào quá trình tổ chức sự kiện. Như
Chi hội 5 đã kết nạp các sinh viên Lào đang học tập tại Trường đại học Công
nghệ Đồng Nai làm hội viên danh dự. Hay các sinh viên Lào tại Trường cao đẳng Y
tế Đồng Nai, Trường đại học Đồng Nai thường xuyên xuất hiện trên sân khấu với
trang phục truyền thống để thể hiện những điệu múa Lào trong mỗi hoạt động giao
lưu được tổ chức.
Trong 10 hội hữu nghị thành viên
thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh
Đồng Nai có số lượng hội viên, số liên chi hội, chi hội nhiều thứ 2, sau Hội
Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Đồng Nai.
|
Riêng trong các dịp Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Đồng
Nai, chi hội tổ chức Ngày quốc tế Thiếu nhi, kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam, Ngày
quốc tế Phụ nữ, Tết Trung thu…, thanh niên Lào là thành phần được mời cùng tham
dự. Nhân những hoạt động này, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Đồng Nai cũng
lắng nghe chia sẻ của thanh niên Lào về thuận lợi và nhất là những khó khăn
trong sinh hoạt tại Đồng Nai để kịp thời tháo gỡ.
Sinh viên Vixayvong Kikham đang theo học tại Trường cao
đẳng Y tế Đồng Nai cho hay, thường thì dịp Tết cổ truyền dân tộc của Lào, sinh
viên Lào ở lại Đồng Nai đón Tết chứ không về nước. Ngoài tham gia chương trình
Tết do tỉnh tổ chức, sinh viên Lào cần có nơi để tổ chức vui chơi, té nước theo
phong tục truyền thống của riêng mình.
Qua sự quan tâm, tạo điều kiện của Hội Hữu nghị Việt Nam -
Lào tỉnh Đồng Nai, chi hội và ban giám hiệu các trường đã tạo điều kiện để
thanh niên Lào tổ chức vui Tết tại khuôn viên rộng rãi với sự tham gia của
thành viên Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Đồng Nai, Chi hội Việt Nam - Lào.
Đây là điều sinh viên Lào cảm thấy ấm áp về mặt tình cảm.
* Tạo sân chơi và quan tâm hội viên
hoàn cảnh khó khăn
Bên cạnh quan tâm đến thanh niên Lào ở Đồng Nai, Hội Hữu
nghị Việt Nam - Lào tỉnh Đồng Nai còn có nhiều hoạt động quan tâm hội viên có
hoàn cảnh khó khăn, tổ chức hoạt động dành cho hội viên.
Trong đó, theo ông Đỗ Đăng Tước, hội có không ít cá nhân là
cựu chiến binh chịu nhiều thương tật do chiến tranh, nhiều hội viên cùng con
cháu là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Từ thực tế đó, mỗi năm thông qua công
tác vận động, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Đồng Nai cùng các liên chi hội,
chi hội thực hiện trao quà hỗ trợ cho người khó khăn. Ngoài đóng góp của hội
viên, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Đồng Nai còn phối hợp cùng hội chữ thập
đỏ các cấp, hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp tặng quà trong các dịp
lễ, Tết. Đồng thời, nhiều trường hợp còn được tạo điều kiện vay vốn từ các tổ
chức đoàn thể để tự tạo việc làm.
Hội viên Hoàng Thị Màng (TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu) cho hay,
bà là thương binh, người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học. Con gái
bà cũng là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ngoài các trợ cấp của Nhà nước, Hội
Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Đồng Nai cùng chi hội cũng dành nhiều sự quan tâm
đến gia đình khi kết nối các tổ chức tặng quà, hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi.
Ngoài ra, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Đồng Nai là hội
hữu nghị sớm nhất và duy trì đều đặn sân chơi văn nghệ hàng năm dành cho hội
viên. Theo đó, mỗi lần Liên hoan Tiếng hát hữu nghị Việt - Lào được tổ chức
đều có từ 30 tiết mục thuộc nhiều thể loại: đơn - song - tam ca, tốp ca, múa,
ca múa, biểu diễn nhạc cụ… do hội viên trình bày. Đáng chú ý là những thanh
niên Lào đang sinh sống, học tập tại Đồng Nai cũng tích cực tham gia liên hoan
bằng những tiết mục ca múa truyền thống.
Cùng với sân chơi “nội bộ”, hội viên Hội Hữu nghị Việt Nam
- Lào tỉnh Đồng Nai còn tích cực đóng góp vào thành công của các kỳ liên hoan
giai điệu hữu nghị tỉnh Đồng Nai do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh tổ
chức. Đây là cơ hội để giới thiệu những gương mặt văn nghệ của hội và là dịp
gặp gỡ, giao lưu với hội bạn. Do đó, Ban chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào
tỉnh Đồng Nai cùng hội viên rất tích xây dựng chương trình, tập luyện và biểu
diễn.
Nhờ vậy mà 14 năm qua, từ chỗ không có tổ chức hội ở cơ sở
và hội viên ban đầu chỉ ngoài 40 người, đến nay Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào
tỉnh Đồng Nai đã xây dựng được 4 liên chi hội, 40 chi hội cùng 1 CLB thơ.
Những địa chỉ này là nơi sinh hoạt của gần 2 ngàn hội viên.
Văn Truyên - Xuân Tuyến