Các nhà
nghiên cứu phong tục tập quán chia khu vực Đông Nam Á thành 4 nhóm quốc gia ăn
Tết theo truyền thống. Đó là nhóm ảnh hưởng Trung Quốc (Việt Nam và Singapore);
nhóm Hồi giáo (Indonesia và Malaysia); nhóm Tháng tư (Thái Lan, Lào, Campuchia
và Myanmar) và nhóm theo dương lịch (Philippines). Riêng đối với Tết của
nhóm tháng Tư còn hay được nhắc đến qua Lễ hội té nước – một
nghi thức đón năm mới của Thái
Lan, Lào, Campuchia và Myanmar.
Tại mỗi đất nước, lễ hội té nước có cách thể hiện mang dáng dấp
và hơi thở của dân bản địa: Lễ hội Bun Pi May của Lào- đất nước Triệu Voi,
Songkran- lễ hội đầy màu sắc truyền thống trên đất nước Thái Lan, lễ hội té nước
Thing Yan mang đậm bản sắc xứ Miến của dân tộc Myanmar hay tục té nước đón năm
mới trong lễ hội Chol Chnam Thmay của người dân Campuchia. Lễ hội của mỗi đất
nước có cái tên khác nhau nhưng chúng được tổ chức cùng một mốc thời gian với
các hoạt động văn hoá đặc sắc và những nghi lễ có khá nhiều nét tương đồng với
nhau
như lễ tắm Đức Phật, chúc phúc buộc chỉ cổ tay, té nước cầu may…
LÀO
Tết
Bun Pi May hay Lễ hội Hốt Nậm kéo dài trong ba ngày, bắt đầu từ ngày 13 đến
ngày 15/4 dương lịch. Ngày cuối cùng của năm cũ, mọi người dọn dẹp sạch sẽ nhà
cửa, chuẩn bị nước thơm ngâm từ các loại hoa để tắm cho Phật. Vào buổi chiều,
người dân trong làng tập trung ở chùa để làm lễ
cúng Phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng đạo, cầu mong sức khoẻ và hạnh
phúc cho cả năm. Ngày thứ hai không được tính đến vì đó là giao thời giữa năm
cũ và năm mới. Ngày thứ ba là ngày của nhều hoạt động tưng bừng khắp nơi. Mọi
người, không phân biệt lạ hay quen, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo đều được
gia chủ tiếp đón ân cần bằng những gàu nước dội khắp người khi đến thăm nhà.
Ngoài ra, người Lào còn té nước vào nhà cửa, dụng cụ lao động và súc vật để gột
rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc một năm mới tốt đẹp và mạnh khỏe. Mọi người
cùng nhau hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc và mong ước về một năm mới mưa thuận
gió hoà, mùa màng bội thu, đất nước thanh bình, cuộc sống sinh sôi, vạn vật đâm
chồi nảy lộc. Người ta tin rằng ai được té nước nhiều chứng tỏ được nhiều người
yêu mến và sẽ gặp được nhiều may mắn trong suốt cả một năm.
Ngoài phong tục té nước,
trong ngày Tết, lễ hội đặc biệt nhất, được đông đảo người Lào tham gia là Lễ rước
nữ chúa xuân. Đây là một tập tục có từ thời xa xưa. Vị nữ chúa xuân là nàng Xẳng
Khản, một trog bảy người con gái của thần bốn mặt – vị thần đem lại những điều
tốt lành cho nhân dân Lào. Mỗi năm, một cuộc thi sẽ được tổ chức để chọn ra bảy
cô gái xinh đẹp, chăm chỉ và tài năng trong cuộc sống. Khi đến giờ hoàng đạo,
đoàn rước sẽ bắt đầu. Một cô gái đóng chúa xuân một tay cầm gươm một tay cầm
vòng lửa cùng với sáu người em gái trong trang phục rực rỡ sắc màu ngồi trên xe
trang hoàng lộng lẫy. Trong đoàn diễu hành, người ta mang mặt nạ Pu Nhơ và Nha
Nhơ, là người đàn ông và ngườ phụ nữ Lào đầu tiên sinh ra trong truyền thuyết.
Theo sau đoàn rước là dòng người vừa đi vừa múa hát. Ngươi hai bên đường té nước
mát cho đoàn rước và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.
Hoa Chămpa và hoa Muồng
vàng là hai loài hoa không thể thiếu trong dịp tết của người Lào. Người dân thường
kết hoa Chăm pa thành vòng đeo cổ hoặc cài lên tóc và treo hoa Muồng vàng trong
nhà hoặc trên xe trong dịp năm mới để cầu may mắn.
Món ăn truyền thống
không thể thiếu trong dịp Tết Bunpimay của người Lào là Lạp, một món ăn làm từ
thịt heo, gà hoặc bò và đặc biệt là không thể thiếu thính gạo nếp. Trong tiếng
Lào, “Lạp” có nghĩa là “Lộc”, người Lào dùng món Lạp với hi vọng sẽ phát tài,
phát lộc, gặp nhiều may mắn cả năm.
CAMPUCHIA
Tết Té Nước ở Campuchia
có tên gọi là Chol Chnam Thmay, dịch theo tiếng Khmer có nghĩa là "Bước
vào năm mới". Lễ hội này cũng được tổ chức theo lịch Phật giáo của người
Khmer, thường vào trung tuần tháng Chett, tức vào khoảng ngày 13- 15 tháng 4
Dương lịch. Đặc biệt, trong những năm Nhuận, Chol Chnam Thmay sẽ kéo dài thêm
một ngày là ngày 16/4. Mỗi ngày trong dịp lễ này đều có tên gọi và những đặc
trưng riêng biệt. Ba ngày trong năm mới lần lượt được gọi là Moha Songkran
(Chôl Sangkran Chmây), Wanabat (Wonbơf) và Tngay Leang Saka (Lơm Săk). Đặc
biệt, ngày Tết thứ tư trong những năm Nhuận cũng có tên là Wonbơf.
Lễ hội Té Nước là dịp
để người dân Campuchia hướng về Đức Phật và mừng năm mới. Trong những ngày này,
khắp nơi đều trang trí đèn hoa rực rỡ, nhất là những ngôi chùa, những con đường
dẫn đến Hoàng Cung. Cũng tương tự như Tết cổ truyền ở Việt Nam, trong những
ngày Tết Chol Chnam Thmay, người dân Campuchia cũng thường đi thăm hỏi lẫn nhau,
chúc nhau tài lộc, sức khoẻ, phát đạt và cùng nhau tham gia các trò vui. Thời
gian có khi kéo dài hơn tuần mới trở lại cuộc sống thường nhật.
Ở Vương quốc Campuchia
thì Apsara, với tên gọi Vũ điệu tiên nữ trắng, là biểu tượng và linh hồn của
mỗi người dân nơi đây. Đến Campuchia vào bất cứ dịp nào trong năm, bạn sẽ dễ
dàng bắt gặp những thiếu nữ xinh đẹp múa điệu Apsara bên các ngôi đền cổ, bên
các dòng sông hay cung điện tráng lệ. Trong điệu múa Apsara, mỗi động tác múa
đều mang một ý nghĩa hay một biểu tượng. Ví dụ, một ngón tay cong hướng lên
trời có nghĩa là “hôm nay”, đặt cánh tay lên ngang ngực thể hiện ý nghĩa “hạnh
phúc”, một tay hướng lên là biểu hiện cho “cái chết”, tay hướng xuống là “sự
sống”, hai bàn tay chuyển đổi lên xuống theo nhịp điệu nhanh các giai đoạn của
vòng đời con người là sinh – lão – bệnh – tử. Qua điệu múa, người dân Campuchia
muốn nói lên ước mong về một cuộc sống thanh bình, thịnh vượng, ca ngợi vẻ đẹp
của thiên nhiên đất nước, thần thánh và công đức của người xưa. Trước đây, điệu
múa Apsara chỉ dành cho hoàng tộc hay các bậc quan lớn trong triều đình thưởng
ngoạn. Mãi đến năm 2000, khi ngành du lịch Campuchia phát triển, Apsara được
phổ biến rộng rãi và rồi thành điệu múa quen thuộc của các thanh nữ trong những
dịp lễ Tết, hội hè và cưới hỏi.
Đối với người dân
Campuchia, năm mới cũng chính là thời điểm để chuẩn bị những món ăn đặc biệt
của dân tộc mình. Một trong số đó là “Kralan”, một chiếc bánh làm từ gạo hấp
trộn với đậu hoặc đậu Hà Lan, thêm dừa nạo và nước cốt dừa. Hỗn hợp này được
nhét trong một ống tre và nướng từ từ. Đặc biệt, ngoài món bánh truyền thống này, nhắc đến ẩm thực Campuchia đương nhiên không
thể không kể đến cà ri cay và cá amok, đi kèm thêm rượu thốt nốt thơm lừng
thường được dùng cho các dịp đặc biệt.
Vào dịp đầu năm mới,
không chỉ lên chùa cầu may, thực hiện các nghi lễ cổ truyền, người dân
Campuchia còn tổ chức rất nhiều trò chơi náo nhiệt và rộn ràng. Các sân đền
cũng trở thành sân chơi cho người Campuchia trong dịp lễ Tết.
Rất nhiều trò chơi dân
gian truyền thống được tổ chức như Chol Chhoung, Chab
Kon Kleng, Bos Angkunh , Leak Kanseng , Bay Khom, … Chol Chhoung là một trò chơi được tổ chức vào đêm đầu tiên của
năm mới, hai nhóm nam và nữ từ 10 đến 20 người đứng thành hai hàng đối diện
nhau. Một nhóm ném “chhoung” đến nhóm kia, khi nhóm này bắt được, “chhoung” sẽ nhanh chóng ném trở lại nhóm đầu
tiên. Nếu ai đó trong nhóm bị “chhoung” đụng trúng, cả nhóm sẽ phải nhảy chịu
phạt trong khi những người còn lại hát ca khúc đó. Trong suốt
những ngày Tết, những góc phố, sân đền ở Campuchia thường đông đúc với bạn bè
và gia đình đang tận hưởng thời gian rảnh rỗi của mình bằng cách chơi trò chơi
hay nhảy múa và ca hát.
THÁI LAN
Songkran
là ngày tết cổ truyền mừng năm mới của Thái Lan. Songkran được tổ chức vào ngày
đầu năm theo Phật lịch (tương ứng với ngày 13-15/4 theo dương lịch) để đón năm
mới. Đây là ngày lễ lớn quan trọng bậc nhất của xứ sở Chùa Vàng cũng là thời điểm
người Thái tỏ lòng kính trọng với Đức Phật, dọn dẹp nhà cửa, té nước vào người
cao tuổi nhằm tỏ lòng tôn kính.
.JPG)
Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan tỉnh Đồng Nai tham gia Lễ hội tắm Phật do Công ty CB tổ chức (8/4/2016).
Vào
ngày tết Songkran, người Thái Lan sẽ rửa sạch tượng Phật của mình bằng nước
thơm. Tục lệ này mang mục đích rửa sạch các điềm gở
của năm trước và mang điềm lành tới cho năm mới. Té nước là một phần của tục
lệ rửa sạch điềm gở trong tết Songkran. Mọi người sẽ té nước vào nhau để bắt đầu
một năm tươi mới và may mắn. Người
Thái thường dùng những xe bán tải đầy màu sắt chở đầy các thùng nước pha với
đá, cùng với nhạc mở hết công xuất chạy lòng trên các tuyến đường và tạt nước
đá vào nhau.
Ngày 15/4 là ngày kết thúc Tết Songkran và cũng
là ngày đầu tiên của năm mới đối với người Thái Lan.
Những
thông tin thú vị về Songkran Thái Lan:
- Tết
Té Nước là thời điểm thu hút khách du lịch đông nhất tại Thái Lan. Khách du lịch
vui vẻ bảo rằng họ đang đi Thái để chơi “bắn súng nước”.
- Songkran là một từ tiếng Phạn, có nghĩa là sự dịch
chuyển, hàm ý nói đến khoảng thời gian mà mặt trời di chuyển từ cung hoàng đạo
Song Ngư đến Bạch Dương, chu kỳ khởi đầu năm mới theo lịch của người Thái.
- Với quan niệm ai được tạt nước càng nhiều thì càng may
mắn. Chính vì vậy, mọi người tham gia lễ hội luôn ở
trạng thái “ướt sũng”.
- Trong khoảng thời gian
chính trị Thái Lan bất ổn, cả hai phe biểu tình và ủng hộ chính quyền Thái Lan
đều tạm ngưng các hoạt động để đón Tết Té Nước.
- Người dân đổ ra đường để
đón mừng năm mới với câu chúc: "Sawasdee Pee Mai! (chúc mừng năm mới) dành
cho nhau.
MYANMA
Lễ hội té nước ở đất
nước Myanmar xinh đẹp được gọi là ThingYan. ThinYan bắt đầu từ câu chuyện kể về
các vị thần như sau:
Thần Indra và thần
Brahma tranh cãi nhau về chiêm tinh học. Không ai chịu thua cuộc nên họ ra điều
kiện kẻ nào thua cuộc bị mất đầu. Kết cục, dù thắng cuộc nhưng Indra không đành
vứt đầu Brahma xuống biển vì sẽ làm biển cạn hết nước, cũng không thể vứt xuống
đất vì trái đất sẽ nổ tung. Thần Indra quyết để giao cho các Nat (các vị thần
bảo hộ của người Miến) thay phiên nhau bưng cái đầu đó. Tết năm mới được tổ
chức vào dịp đầu của Brahma được chuyển từ Nat này sang Nat kia. Trong khi đó
người dân Cambodia tin rằng mỗi năm có vị thần trên trời được sai xuống để chăm
lo cho cuộc sống và con người, hết năm lại về trời để vị thần khác xuống hạ
giới.
Như vậy, theo truyền
thuyết, lễ hội té nước đón năm mới của người Myanmar xuất phát từ ý nghĩa mong
muốn giữ gìn sự bình yên cho vạn vật trên thế gian và cầu mong sự phù hộ của
các vị thần. Người Myanmar tin rằng nước sẽ giúp gột rửa những điều xấu, bệnh
tật và sẽ đem lại điều may mắn, hạnh phúc và sức khỏe. Những ai tham gia lễ hội
té nước càng bị ướt càng được coi là sẽ gặp nhiều may mắn và càng mạnh khỏe
trong năm mới.
ThingYan
với người dân Myanmar, trước hội phải là lễ. Ngày giờ và
thời gian cho việc khai mạc lễ hội ThingYan ở Myanmar luôn được tính toán một
cách kỹ lưỡng bởi các nhà chiêm tinh.
Thingyan
là một lễ hội thuần túy thế tục và không được đề cập đến trong kinh điển Phật
giáo nhưng người dân Myanmar tổ chức lễ Thingyan lồng ghép với nghi thức Phật
giáo nên mặc dù ‘ăn chơi’ trong lễ hội té nước nhưng họ cũng không quên tổ
chức lễ hội trong không trí trang nghiêm.
Ngày xưa, trong đêm giao thừa, mọi người chuẩn
bị nước thơm được nấu từ các loại hoa, lá khác nhau bỏ vào trong bát hoặc chum
nước và đặt trước nhà trong suốt thời gian lễ hội. Mỗi ngày là một loại nước
nấu bằng một loại lá khác nhau. Ngày nay, người ta dùng những vòi nước máy xịt
bay tung tóe. Những người đi đường đều được xịt ướt đẫm, mọi chuyện buồn phiền
không vui và những bụi bẩn của năm cũ sẽ không còn và năm mới sẽ được đón nhận
bằng sự thanh tịnh của thân và tâm.
LÊ HƯƠNG (tổng hợp)