Bà Nguyễn Thị
Bình, Nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hồi ký
“Gia đình - bạn bè và đất nước” cho biết, bí danh hoạt động thời kháng chiến chống
Pháp của bà là Yến Sa, sang thời kháng chiến chống Mỹ đã được tập thể đề nghị đổi
thành tên BÌNH - HÒA BÌNH và từ đó mang tên Nguyễn Thị Bình. Hoà bình là ước vọng
ngàn đời của dân tộc Việt Nam và đó cũng chính là đường lối nhất quán đối ngoại
vì hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Bình
sau này được cử làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận
Dân tộc Giải phóng miền Nam (sau là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền
Nam Việt Nam) tại hội nghị hòa bình Paris. Trong hồi ký của mình bà cho biết,
nhiệm vụ của đoàn đàm phán là giải thích với bạn bè quốc tế ý nghĩa và tính
chính nghĩa cuộc chiến đấu của dân tộc Việt Nam. Bà cũng cho biết mỗi khi đoàn Chính
phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lên diễn đàn, cả hội trường đều
đứng dậy và bà bước lên nói: “Nhân dân miền Nam Việt Nam không còn con đường
nào khác là phải đứng lên chống xâm lược, cũng không có nguyện vọng nào khác là
được sống trong hòa bình, một cuộc sống bình thường như mọi người trên Trái đất
đang được sống ngày nay”…Khát vọng được sống trong hòa bình như các dân tộc
trên trái đất là khát vọng nghìn đời của dân tộc Việt Nam. Ngay Lời nói đầu Hiến
pháp nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946 đã ghi trang trọng: “… Nước Việt
Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp
với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại”.
Bộ
trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn
Thị Bình ký Định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam, ngày 2/3/1973. Ảnh: Tư
liệu quốc tế/TTXVN
Những ai đã đọc “Trăm
năm cô đơn” của văn hào người Colombia Gabriel Garcia Marquez chắc chắn sẽ bị
ám ảnh bởi rất nhiều các chi tiết huyền ảo. Gia đình José Arcadio Buendía đã bỏ
làng đi đến một vùng đất khác để rồi đến đời thứ 5 thì đứa bé của dòng họ chào
đời có đuôi lợn và bị đàn kiến ăn thịt. Con người đã mất hàng triệu năm để đứt
cái đuôi nhưng chỉ cần đi chệch khỏi văn minh nhân loại như dòng họ trong “Trăm
năm cô đơn” lại mọc đuôi, tức thoái hóa. Ngôi làng Macondo sau đó cũng bị một
trận cuồng phong và bị xóa sạch khỏi thế giới này. Lời cảnh báo mà “Trăm năm cô
đơn” muốn nhắc nhở là tất cả các dân tộc trên thế giới này nếu không đi chung
dòng chảy chung của nhân loại văn minh chắc chắn sẽ đi vào con đường thoái hóa
và diệt vong. Gần đây, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đã nhiều lần
khẳng định con đường phát triển của Việt Nam “không thể tách rời xu thế chung của
thế giới và nền văn minh nhân loại”. Tất cả các dân tộc trên thế giới này muốn
tồn tại vững bền và phát triển nhất thiết phải đi chung dòng chảy chung của
nhân loại văn minh, dòng chảy chung ấy là hòa bình, giải quyết các tranh chấp
quốc tế bằng các biện pháp hoà bình trên cơ sở của luật pháp quốc tế.
Đừng nói một đất
nước, ngay một con người cũng vậy, những ai còn biết rung động trước cái thiện,
cái đẹp chắc chắn sẽ biết phẫn nộ trước cái xấu, cái ác và tìm cách để diệt cái
xấu, cái ác. Một dân tộc yêu chuộng hòa bình như dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ
không khoan nhượng trước các hành vi bị lăng nhục, bị xâm lăng. Có lẽ vì vậy mà
trong suốt lịch sử hàng nghìn năm của mình, để được sống trong hòa bình, dân tộc
Việt Nam đã phải nhiều phen đứng dậy chống xâm lăng, chống cường quyền, bạo ngược.
Còn nhớ, khi thực dân Pháp với dã tâm quay trở lại xâm lược Việt Nam một lần nữa,
đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nỗ lực hết mình để ngăn ngừa chiến tranh. Trong
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 20/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
nói rõ: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng
nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần
nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất
định không chịu làm nô lệ”.
Tổng Bí thư Tô Lâm
và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt đội danh dự - chuyến
thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc (8-2024)
Là một dân tộc bao
dung, yêu chuộng hòa bình nên mỗi khi chiến thắng quân xâm lược, cha ông chúng
ta bao giờ cũng thể hiện tinh thần hòa hiếu tha cho kẻ bại trận, thậm chí cấp
ngựa xe, thuyền bè, lương thảo cho họ về nước. Hồ Hoàn Kiếm vốn tên cũ là Thuỷ
Quân, sau truyền thuyết Lê Lợi trả lại gươm thần được mang tên là hồ Hoàn Kiếm,
đó là biểu tượng về lòng yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Có thể khẳng định
rằng, trong suốt những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã luôn nhất quán với
nguyên tắc vì hòa bình. Chính sách nhất quán của Việt Nam là không liên minh
quân sự với nước này để chống lại nước khác. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XIII của Đảng một lần nữa khẳng định: “…Tiếp tục thực hiện đường lối
đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội
nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn
định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.
Nhà thơ Nguyễn
Đình Thi đã viết những câu thơ sau trong bài thơ “Việt Nam quê hương ta”: “Đất
nghèo nuôi những anh hùng/Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên/Đạp quân thù xuống
đất đen/Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”. Đó là khái quát đầy đủ nhất về tinh
thần yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Vũ Trung Kiên