Dân tộc Việt Nam có lịch sử hàng ngàn năm dựng nước
và giữ nước. Người Việt Nam trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế hay văn
hóa đều đã trải qua quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh với muôn vàn khó
khăn nhưng không ngừng sáng tạo, cải tiến công cụ sản xuất, dũng cảm trước thiên
tai. Từ thời Vua Hùng dựng nước đến nay, dân tộc Việt Nam đã tiến hành hàng
chục cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và hàng trăm cuộc khởi nghĩa đánh đuổi
ngoại xâm. Những thử thách của lịch sử dựng nước và giữ nước đã tôi luyện con
người Việt Nam với phẩm chất cao đẹp, đó là tình yêu nước thương nòi, dũng cảm,
kiên cường, mưu trí, lao động cần cù, sáng tạo, nhân ái và bao dung. Phẩm chất
đó đã trở thành truyền thống tốt đẹp góp phần tôn lên bản sắc dân tộc trong nền
văn hóa Việt Nam. Phẩm chất, tinh thần đó được kế thừa từ đời này qua đời khác,
đến thời đại Hồ Chí Minh đã phát triển rực rỡ, phong phú, thể hiện tập trung
nhất là chủ nghĩa anh hùng cách mạng, qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của
dân tộc. Đó là tinh thần chiến đấu hy sinh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Trên trận địa tiến công hay ở làng chiến đấu, trong vùng địch tạm chiếm, là dân
quân du kích hay đặc công, biệt động, trinh sát, hay quân chủ lực, từ em bé đội
mũ rơm đi học đến người mẹ chèo đò đưa bộ đội qua sông dưới bom đạn,… ở đâu
trên đất nước ta cũng có kỳ tích anh hùng, con người anh hùng, “vào nhà gặp
dũng sĩ, ra ngõ gặp anh hùng” là vậy. Lịch sử Việt Nam cho thấy, chủ nghĩa anh
hùng cách mạng là một thứ vũ khí sắc bén để quân và dân ta chiến thắng kẻ thù
xâm lược cho dù địch có vũ khí hiện đại, tối tân đến nhường nào. Chủ nghĩa anh
hùng của chúng ta là chủ nghĩa anh hùng tập thể, vì nó xuất hiện trong phong
trào cách mạng của quần chúng, của những con người biết dựa vào nhau để tạo ra
sức mạnh tổng hợp - sức mạnh toàn dân.
Chiến thắng 30-4 là đỉnh cao của
chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam
Chủ nghĩa anh hùng của cách mạng Việt Nam còn là sự
kết hợp lòng dũng cảm với trí thông minh sáng tạo trong cách đánh giặc, làm chủ
các vũ khí, phương tiện có trong tay, từ thô sơ đến hiện đại, đánh địch cả trên
bộ, dưới nước, trên không. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thể hiện trên
các mặt trận, mọi lĩnh vực, vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn
dân, toàn diện và trường kỳ. Công, nông hay học sinh, sinh viên, trí thức ở
miền ngược hay miền xuôi; gái hay trai, người dân công tải đạn hay nhà khoa
học, văn nghệ sĩ, nhà báo… mọi người dân nước ta đều tham gia chiến đấu. Với phụ
nữ, họ đã tạo ra đội quân tóc dài phá vỡ đội hình tiến công của quân địch hoặc
làm chủ trận địa pháo, miệt mài trên đường cày “Ba đảm đang”,…
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời kháng
chiến đã góp phần chiến thắng đạo quân viễn chinh và nguỵ quân được trang bị vũ
khí tối tân, lắm tiền nhiều của. Quân ta đã tạo ra một trận địa khổng lồ bao
vây cả một tập đoàn cứ điểm, “bắt sông uốn khúc, bắt núi cúi đầu”, mở đường kéo
pháo “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trụ vững trên đất thép Củ Chi ngay sát
sào huyệt của địch, đưa chiến tranh vào thành thị bằng cách đồng loạt các đợt tiến
công, siết chặt các vành đai du kích, đánh địch bằng ba mũi giáp công, thắng
địch trên mặt đất, trên sông, trên không với chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo đà
cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng vào mùa Xuân năm 1975.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng
giải phóng dân tộc Việt Nam
Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, người Việt
Nam luôn coi trọng và kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nêu gương từ
người tốt việc tốt đến anh hùng chiến sĩ thi đua, tổ chức các phong trào thi
đua yêu nước với nhiều điển hình tiên tiến, làm cho chủ nghĩa anh hùng cách
mạng được phát huy lên tầm cao mới, với nhiều chiến tích khác nhau, như một
vườn hoa muôn màu muôn sắc. Lòng căm thù giặc thôi thúc quân và dân ta chiến
đấu hy sinh vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc. Song, chủ nghĩa anh hùng cách
mạng Việt Nam không phải chỉ là thể hiện sự bộc phát mà cơ sở của nó chính là
sự giác ngộ của quân và dân ta về mục tiêu chiến đấu của dân tộc qua các chặng
đường cách mạng phải bền vững, ngay cả khi tạm thời thất bại cũng không nản
chí, liên tục tấn công, bình tĩnh ứng phó trước mọi tình huống.
Có thể nói, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam
thể hiện nét đặc sắc trong bước phát triển mới của con người Việt Nam trong hơn
1 thế kỷ qua. Nó tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người. Đó là thứ vũ
khí sắc bén để người Việt Nam chứng minh con người đã chiến thắng vũ khí kỹ
thuật hiện đại của chủ nghĩa đế quốc, làm phá sản thuyết “vũ khí luận”, đồng
thời nó cũng là kết quả của việc con người làm chủ khoa học kỹ thuật, dũng cảm
và luôn vươn tới tầm cao của trí tuệ và sự đoàn kết. Chủ nghĩa anh hùng cách
mạng trong kháng chiến mà đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân năm 1975. Chủ nghĩa đó
đang được phát huy mạnh mẽ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây
dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Trọng Tá