Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Thứ 6 - 26/02/2016
Nhiệt liệt chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025)!
Nhiệt liệt chào mừng 79 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024)!
Đảng Cộng sản Việt Nam - Người lãnh đạo, tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam!
Việt Nam - Lào: Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện
“Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”
Di tích “Đài kỷ niệm”
 

Đó là di tích lịch sử nằm trong một công viên nhỏ tọa lạc giữa giao lộ Nguyễn Ái Quốc - 30/4, trung tâm thành phố Biên Hòa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp Quốc gia (Quyết định số 1288/VH-QĐ ngày 16/11/1988). Đây là một công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa dân tộc với hình dáng giống như Ngọ môn - Huế, thời nhà Nguyễn. Du khách tình cờ ngang qua có thể lầm tưởng đây là nơi thờ một vị anh hùng dân tộc nào đó, nhưng nếu đọc kỹ những dòng chữ được khắc trên trang vở bằng đá giữa công viên, sẽ nhận ra rằng di tích tồn tại như một minh chứng cho tội ác và thủ đoạn của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam trong một thời kì lịch sử đau thương của dân tộc, thời kỳ mà nhân dân ta phải chịu biết bao cay đắng dưới ách nô dịch thực dân.

Công trình kiến trúc đặc sắc này được xây dựng và khánh thành vào năm 1923. Theo các tư liệu lịch sử, “Đài Kỷ niệm” ban đầu có tên gọi chính thức là “Đài Kỷ niệm người Việt trận vong”. Trong diễn văn của viên công sứ Pháp tại buổi lễ khánh thành thì mục đích của việc xây dựng đài là để tưởng nhớ “những thanh niên bản xứ tình nguyện rời bỏ quê hương lên đường sang Pháp để chiến đấu bảo vệ “Mẫu Quốc” và đã hiến thân cho sự nghiệp cao cả thiêng liêng ấy!”. Lời lẽ trong bài diễn văn khiến cho những người hiểu rõ bản chất bọn thực dân không khỏi nực cười, nhưng vì sao những người Việt Nam, những thân phận bị nô dịch, lại có thể tình nguyện hiến thân cho chính nước Pháp là kẻ nô dịch mình?

2025-DAI KY NIEM.jpgDi tích “Đài Kỷ niệm” nằm giữa công viên giao lộ Nguyễn Ái Quốc - 30/4, thành phố Biên Hòa

Để trả lời cho câu hỏi ấy, bánh xe lịch sử sẽ phải quay ngược thêm về thời gian 9 năm trước đó, (năm 1914), khi mà cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ gieo rắc biết bao tang thương cho nhân loại. Những kẻ gây ra chiến tranh dù là bất kỳ nước nào, ở bất kỳ phe nào cũng có một mục đích lớn nhất là hạ gục đối thủ để mình có thể làm chủ hệ thống thuộc địa rộng lớn với nguồn nguyên liệu dồi dào, nhân công rẻ mạt và thị trường béo bở. Vào thời điểm đó, Pháp đang là một nuớc vô cùng giàu có về thuộc địa (đứng thứ hai thế giới, sau Anh), hệ thống thuộc địa của Pháp rải khắp châu Á và châu Phi, trong số đó có bán đảo Đông Dương. Để loại bỏ đối thủ nguy hiểm, bảo vệ được hệ thống thuộc địa và để khẳng định sức mạnh của mình, Pháp cũng như các nuớc tham chiến đã ra sức huy động, cưỡng bức sức người, sức của từ trong nuớc và từ các nuớc thuộc địa. Đây là cuộc chiến tranh đế quốc xâm lược và phi nghĩa, nhằm thỏa mãn cơn khát bá chủ thế giới của giai cấp thống trị ở các nước đế quốc, nhưng nạn nhân của nó thì lại là đông đảo nguời dân vô tội, giai cấp vô sản ở ngay tại chính quốc và cả ở các nước thuộc địa, trong đó có nhân dân Việt Nam.

2025-DAI KY NIEM 2.jpgCuốn vở bằng chất liệu đá tại di tích khắc chữ là minh chứng cho tội ác, thủ đoạn của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam

Đến lúc này, những nguời dân vô tội ở Việt Nam, vốn đã phải gồng mình gánh chịu vô số thứ thuế vô lý và các hình thức bóc lột khác trong cuộc khai thác thuộc địa, nay lại thêm oằn lưng bởi gánh nặng chiến tranh mà Pháp đã trút lên đầu nhân dân ta. Trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ấy, đã có “bảy mươi vạn người bản xứ đã đặt chân lên đất Pháp và trong số ấy, tám vạn người không bao giờ còn trông thấy mặt trời trên quê hương đất nước mình nữa” (“Bản án chế độ thực dân Pháp” - Nguyễn Ái Quốc). Thật là một con số vô cùng đau xót. Nhưng vào thời điểm mà đất nước đang còn dò dẫm tìm con đường giành độc lập, ngay cả lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lúc ấy vẫn còn đang bôn ba nơi xứ người để tìm con đường cứu nước đúng đắn, thì liệu trong bảy mươi vạn nguời ra đi ấy có ai biết mình đang ra đi chiến đấu vì lẽ gì? Chỉ có điều chắc chắn họ không “tình nguyện” lên đường “chiến đấu bảo vệ Mẫu Quốc” như lời viên công sứ Pháp đã huênh hoang. Bởi những người nông dân chân chất, hiền lành khi đứng trước những kẻ xâm lược hung bạo đã từng: “Đạp rào lướt tới coi giặc cũng như không/Xô cửa xông vào liều mình như chẳng có” (“Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” - Nguyễn Đình Chiểu) thì làm sao có thể tin được họ lại tình nguyện lên đường hiến thân cho chính đất nuớc của những kẻ xâm lược ấy. Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Nguyễn Ái Quốc cũng đã vạch trần bộ mặt giả dối của chính quyền thuộc địa Pháp bằng những hình ảnh có thật và những lập luận sắc bén: “Nếu quả thật người Việt Nam phấn khởi đi lính đến thế, tại sao lại có cảnh tốp thì bị xích tay điệu về tỉnh lỵ, tốp thì trước khi xuống tàu, bị nhốt trong một trường trung học ở Sài Gòn, có lính Pháp canh gác, lưỡi lê tuốt trần, đạn lên nòng sẵn? Những cuộc biểu tình đổ máu ở Cao Miên, những vụ bạo động ở Sài Gòn, ở Biên Hòa và nhiều nơi khác nữa phải chăng là biểu hiện của lòng sốt sắng đầu quân “tấp nập” và “không ngần ngại”?. Như vậy tất cả đều đã rõ ràng, 70 vạn dân đều là những người bị cưỡng bức, bị ép buộc phải ra trận, dùng máu thịt của mình làm bia đỡ đạn cho Pháp. Và “Đài Kỷ niệm” do chính quyền thuộc địa Pháp xây dựng nên nhằm mục đích lừa mị dân chúng đã trở thành bản cáo trạng hùng hồn cho chính tội ác của chúng.

Đến ngày, “Đài Kỷ niệm” vẫn được bảo tồn, phát huy giá trị, di tích vẫn cổ kính với kiểu dáng văn hóa dân tộc, vẫn trầm mặc với tấm bia đá có khắc tên một số thanh niên trong tám vạn thanh niên vĩnh viễn không được trở về, vẫn làm nhức nhối lòng người về một quá khứ đau thương dân tộc dưới ách thống trị ngoại bang. Những người đến thăm di tích đều thắp một nén nhang trước tấm bia đá, để tưởng nhớ về tám vạn con nguời đã ngã xuống mà máu xương của họ đã tố cáo một cách rõ ràng nhất về tội ác của thực dân, để không bao giờ quên một trang sử đầy máu và nước mắt, để tràn ngập niềm tự hào cho những chiến công phá ách nô lệ của ông cha ta trong những giai đoạn tiếp theo và để ý thức việc bảo vệ độc lập dân tộc Việt Nam.

 

ThS. Trọng Tá

Liên kết webiste

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh đồng nai

Địa chỉ: Số 233, Hà Huy Giáp, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai

ĐT: (02513) 843.909 - Email: dufo.dn@gmail.com​

Số giấy phép hoạt động: 40/GP-TTĐT​ ngày 10/6/2021