Ngày 10-4,
Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội nồng nhiệt chào đón đoàn học sinh
đến từ Irkutsk – một trong những thành phố lớn ở Siberia, nổi tiếng với hồ
Baikal và nền văn hóa đa sắc tộc. Chuyến thăm nằm trong khuôn khổ Dự án “Ngoại
giao học đường” do Hội Hữu nghị Nga - Việt tỉnh Irkutsk “Baikal” phối hợp tổ chức
“Tuổi trẻ không biên giới” triển khai thực hiện dưới sự hỗ trợ của Trung tâm
Khoa học và Văn hoá Nga tại Hà Nội.
Đoàn thăm quan bảo tàng Hồ Chí Minh và các điểm di tích lịch
sử tại Hà Nội
Tăng cường
sự hiểu biết về văn hóa, lịch sử hai nước
Đây là một
sáng kiến nhằm kết nối thế hệ trẻ hai nước thông qua trải nghiệm thực tế, đối
thoại và hợp tác giáo dục. Những hoạt động diễn ra trong dịp này không chỉ khơi
dậy sự quan tâm đến lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ của nhau mà còn đặt nền móng cho
mối quan hệ lâu dài, bền chặt giữa hai dân tộc. Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga-Việt
Nam tỉnh Irkutsk “Baikal” Andrey Akhmadulin cho biết, hoạt động mang ý nghĩa đặc
biệt khi diễn ra trong năm 2025 - cột mốc tròn 75 năm thiết lập quan hệ ngoại
giao giữa Liên bang Nga và Việt Nam, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị
truyền thống Nga – Việt bằng những kết nối sinh động từ thế hệ trẻ. Đồng
thời, hai nước cũng cùng kỷ niệm nhiều sự kiện trọng đại như 80 năm Chiến thắng
trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80
năm Ngày Quốc khánh và 50 năm Ngày Thống nhất đất nước.
Trong quá
trình chuẩn bị cho chuyến đi, Ban tổ chức đã có nhiều buổi giới thiệu về đất nước
Việt Nam, giúp các em học sinh có cái nhìn gần gũi hơn với lịch sử và truyền thống
nơi đây. Đặc biệt, các em học sinh được nghe và tìm hiểu về chuyến thăm Irkutsk
của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9-10/7/1955 và đóng góp của ông Bazyr Vampilov
trong việc hỗ trợ xây dựng Bảo tàng Cách mạng tại Hà Nội. Ông là chuyên gia
Liên Xô từng học tại Trường đại học Lao động Cộng sản Phương Đông vào những năm
1930, nơi ông có cơ hội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đoàn thăm làng gốm Bát Tràng
Trong một tuần
lưu lại Việt Nam, Các em học sinh nhiều lớp khác nhau thuộc 5 trường phổ thông ở
Irkutsk đã có chương trình giao lưu, tham quan phong phú, tìm hiểu đời sống văn
hoá, phong cảnh Việt Nam, giao lưu làm quen với các bạn học sinh Việt Nam. Đoàn
học sinh Irkutsk đã có lịch trình dày đặc, từ tham Quảng trường Ba Đình, Lăng
Chủ tịch Hồ Chí Minh, di sản Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đến
làng gốm Bát Tràng, nơi các em được trực tiếp nặn gốm, tạo ra những sản phẩm thủ
công mang dấu ấn cá nhân. Một trong những điểm nhấn không thể không kể đến là
chuyến thăm quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) – Di sản văn hóa và thiên
nhiên thế giới đầu tiên và duy nhất của Đông Nam Á.
Những nhịp cầu được
nối bằng tình bạn
Được gọi là
"Đối ngoại từ trường học" (Школьная дипломатия), chương trình của các
bạn Nga nhỏ tuổi là thăm, giao lưu với trường phổ thông Amsterdam (Hà Nội),
thăm làng gốm Bát Tràng, khu di tích Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam
và một số địa điểm khác. Những hoạt động này góp phần giúp các em học sinh phổ
thông Nga và Việt Nam thêm hiểu biết lẫn nhau; giúp các bạn Nga nhỏ tuổi được
trực tiếp tìm hiểu về trường học, về đô thị, làng nghề và một số nét truyền thống
văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên, điểm chạm sâu sắc nhất có lẽ vẫn là những cuộc gặp
gỡ với học sinh các trường chuyên tại Hà Nội như Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam,
Trường THPT chuyên Ngoại ngữ và đặc biệt là Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ. Những
cái bắt tay, những nụ cười thân thiện, ánh mắt tò mò và háo hức tìm hiểu đã vượt
qua mọi rào cản ngôn ngữ.
Học sinh hai nước giao lưu với nhau trong
khuôn khổ các hoạt động của chương trình
Một điều thú
vị là trong đoàn học sinh đến Việt Nam lần này, đã có một số em có thể giao tiếp
cơ bản bằng tiếng Việt. Điều đó cho thấy mối quan tâm ngày càng lớn của thế hệ
trẻ Irkutsk đối với Việt Nam. Trên thực tế, Irkutsk từng là một trung tâm đào tạo
chuyên gia Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, và giờ đây, chính thế hệ hậu duệ đang
tiếp tục duy trì sợi dây kết nối ấy thông qua ngôn ngữ. Sau chuyến đi này, phía
Ban tổ chức đoàn hy vọng sẽ có thêm nhiều học sinh quan tâm đến việc học tiếng
Việt. Và ngược lại, các trường phổ thông và đại học tại Việt Nam cũng sẽ có
thêm động lực để xây dựng các chương trình trao đổi, hợp tác giáo dục với các địa
phương tại Nga. Chuyến đi của đoàn học sinh
Irkutsk lần này không đơn thuần chỉ là một hành trình giao lưu văn hóa. Đó là
minh chứng rõ ràng cho sức sống mạnh mẽ và sự đổi mới trong quan hệ Việt – Nga,
đặc biệt khi thế hệ trẻ trở thành nhân tố trung tâm trong việc nuôi dưỡng, gìn
giữ và phát triển tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
Theo Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga-Việt Nam tỉnh Irkutsk
“Baikal” Andrey Akhmadulin, “Ngoại giao học đường” chính là khoản đầu tư bền vững
cho quan hệ Việt Nam-Nga. Những tình cảm hữu nghị được gieo mầm từ thời niên
thiếu sẽ phát triển thành nền tảng vững chắc cho hợp tác trong khoa học, giáo dục,
thương mại, văn hóa ở tương lai. “Chúng tôi tin rằng, càng nhiều bạn trẻ hai nước
được tiếp xúc trực tiếp, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, mối quan hệ Việt-Nga…
thì tình hữu nghị giữa hai dân tộc sẽ càng bền chặt và sống động hơn bao giờ hết”,
ông Andrey Akhmadulin nhấn mạnh.
Sau chuyến đi, đoàn Nga kỳ vọng sẽ mở rộng mô hình hợp
tác, kết nối với thêm nhiều trường phổ thông và đại học của Việt Nam. Hai bên
đang xúc tiến các sáng kiến như: Tổ chức “Tuần lễ Văn hóa Nga” tại Việt Nam; xuất
bản tập sách về chuyến thăm Irkutsk của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạp chí giới thiệu
Irkutsk bằng tiếng Việt; tổ chức chiếu phim Việt Nam tại Irkutsk… Đặc biệt, một
ý tưởng rất thú vị là xây dựng quan hệ hợp tác giữa các Liên đoàn trượt băng
nghệ thuật của hai nước để giao lưu thể thao và huấn luyện tài năng trẻ.
Trong dịp thăm Việt Nam, lãnh đạo Hội Hữu nghị Nga-Việt
vùng Irkutsk cũng đi thăm, làm việc với Đại học Hạ Long; hai đơn vị đã ký kết
văn bản hợp tác.
Đoàn Hội Hữu nghị Nga - Việt vùng Irkutsk làm việc với Lãnh
đạo trường Đại học Hạ Long

Hội Hữu nghị Nga - Việt vùng Irkutsk và Lãnh đạo trường Đại học
Hạ Long ký kết văn bản hợp tác
Lê Hương