Sinh thời, hình ảnh miền Nam ruột thịt luôn in đậm
trong trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh, với niềm tin tất thắng “Bắc - Nam, sum họp
một nhà”. Nhân dân ta còn ghi nhớ lời dạy của Bác, ngày 26-9-1945 khi thực dân
Pháp núp sau bóng quân Anh nổ súng đánh úp Nam bộ hòng thống trị nước ta một
lần nữa. Nhân dân Nam bộ cầm súng anh dũng chiến đấu chống quân xâm lược, Người
nói “Thà chết tự do còn hơn là sống nô lệ… Các bạn ở tiền tuyến không bao giờ
cô độc vì đã có cả một khối toàn dân đoàn kết làm hậu thuẫn cho mình. Thắng lợi
cuối cùng nhất định sẽ về ta”.
Ngày
2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc
Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở
ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc (Ảnh tư liệu)
Thực dân Pháp cố tình gây chiến, muốn tách Nam bộ ra
khỏi Việt Nam, đi ngược lại với ước nguyện của nhân dân ta: Nước Việt Nam là
một, dân tộc Việt Nam là một, Bắc - Nam sum họp một nhà không chỉ là khát vọng
mà đã trở thành ý chí, quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam. Điều thiêng
liêng ấy thể hiện rõ trong bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào miền Nam
trước khi Người đi thăm nước Pháp với tư cách là thượng khách: “Nam bộ là máu
của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam, đồng bào Nam bộ là dân nước Việt
Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Hiến pháp năm 1946 - đạo luật cơ bản của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã
khẳng định tại điều 2, chương 1 “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất.
Trung - Nam - Bắc không thể phân chia”.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lan rộng ra
toàn quốc. Lời hiệu triệu “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và
sức mạnh đoàn kết toàn dân của cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đã
đưa cuộc trường chinh “kháng chiến kiến quốc” 9 năm chống thực dân Pháp đến
thắng lợi. Tuy nhiên, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và hiệp định
Giơ-ne-vơ mới giải phóng được hoàn toàn miền Bắc. Miền Nam “đi trước về sau”
còn phải tiếp tục cuộc đấu tranh chống lại sự can thiệp của đế quốc và bè lũ
tay sai. Miền Nam thân yêu luôn luôn ở trong trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh và
trong trái tim khối óc của đồng bào miền Bắc.
Vì miền Nam ruột thịt, vì ngày mai Bắc - Nam thống
nhất, Đảng lãnh đạo nhân dân miền Bắc ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội, để miền
Bắc trở thành hậu phương lớn, chi viện sức người sức của cho tiền tuyến lớn
miền Nam. Mỗi chiến công của đồng bào miền Nam đều có sự chi viện về “tinh thần
và lực lượng” của đồng bào miền Bắc. Và ngược lại, mỗi thành tích trong học
tập, lao động sản xuất, chiến đấu của đồng bào miền Bắc đều có phần đóng góp
của đồng bào miền Nam.
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh
giản dị bên Nhà Sàn (Ảnh tư liệu)
Về tình cảm Bắc - Nam ruột thịt, Chủ tịch Hồ Chí
Minh nói “Trái tim của tôi và của 17 triệu đồng bào miền Bắc luôn luôn đập một
nhịp với trái tim của đồng bào miền Nam… không một giờ, một phút nào không nhớ
đến đồng bào ruột thịt ở miền Nam đang chiến đấu anh dũng chống bọn Mỹ - Diệm
để cứu nước cứu nhà”. Trong mỗi bức thư, trong mỗi lời phát biểu, trong những
lời nhắc nhủ mỗi năm vào dịp xuân về, bao giờ Người cũng dành phần chúc miền
Bắc thi đua yêu nước, ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội để ủng hộ miền Nam tiến
lên đấu tranh thống nhất nước nhà.
Nỗi đau đất nước bị chia cắt đã làm nhức nhối trái
tim Chủ tịch Hồ Chí Minh và mỗi người dân Việt Nam yêu nước. Nỗi đau ấy đã hun
đúc ngọn lửa đoàn kết đấu tranh, đã nhân nguồn sức mạnh của dân tộc ta trong
cuộc đấu tranh vì một nước Việt Nam
độc lập thống nhất. Cả nước vững tin ở miền Nam thành đồng Tổ quốc. Nhân dân
miền Nam
cũng luôn luôn vững tin ở miền Bắc thân yêu, ở Bác Hồ kính yêu. Niềm tin vào
ngày mai nước nhà thống nhất của nhân dân cả nước được Bác Hồ bồi đắp bằng ý
chí, bằng quyết tâm của cả dân tộc: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm,
20 năm hoặc lâu hợn nữa… Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi,
nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Cuộc chiến đấu giải phóng hoàn toàn miền Nam còn
đang ở phía trước. Dù sức khỏe ngày một yếu, song Người vẫn muốn được vào thăm
miền Nam trước khi quân ta mở màn đợt 3 cuộc tổng tấn công. Trong bức thư gửi
đồng chí Lê Duẩn ngày 10-3-1968, Người tỏ ý muốn vào thăm động viên đồng bào
miền Nam.
Vì điều kiện sức khỏe của Người, vì cuộc chiến tranh đang trong giai đoạn quyết
liệt nên Bộ Chính trị đã thuyết phục Bác hoãn chuyến đi này.
Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh về cõi vĩnh
hằng, mang theo mình một khát vọng, một niềm tin tất thắng: “Tiến lên chiến sĩ,
đồng bào, Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Người đã đi xa nhưng niềm tin của
Người và chỉ thị “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp
tục chiến đấu quét sạch nó đi”. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước nguyện
Bắc - Nam sum họp một nhà đã đưa cả nước vào trận cuối cùng với niềm tin tất
thắng. Cuộc trường chinh kéo dài 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ kết
thúc bằng tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Miền Nam đã được giải phóng
hoàn toàn, Bắc - Nam đã sum họp một nhà. 50 năm đã trôi qua kể từ đại chiến
thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, đất nước Việt Nam thống nhất liền một dải đang
vươn lên, hội nhập cùng bạn bè quốc tế. Một đất nước Việt Nam hòa bình, thống
nhất, dân chủ và giàu mạnh, đang ngày càng đổi mới, đã khẳng định được mình
trên trường quốc tế. Dù còn nhiều cam go thử thách, thách thước trước diễn biến
hòa bình, sung đột địa chính trị trên toàn cầu, song chúng ta có đầy đủ cơ sở
khoa học và kinh nghiệm thực tiễn để tin tưởng chắc chắn rằng dưới ánh sáng tư
tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta đoàn kết một lòng xây dựng đất nước ta “đàng hoàng
hơn, to đẹp hơn”, theo ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trọng Tá