Ngày 20/3, tại Cung Hữu nghị Việt - Trung (Hà Nội), Liên hiệp
các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan tổ chức
Chương trình “Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam - Trung Quốc các thời kỳ”
nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc và Năm
Giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025. Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự và
phát biểu.
Tham dự hoạt động còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh
đạo Đảng, Nhà nước, một số ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp
các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc; Đại sứ Trung
Quốc tại Việt Nam, cán bộ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, đại biểu nhân sỹ
hữu nghị Trung Quốc, doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam cùng hơn 800 lưu học
sinh, sinh viên Việt Nam và Trung Quốc.
Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh:
Đinh Hòa)
Phát biểu tại hoạt động, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao ý
nghĩa của Chương trình “Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam - Trung Quốc
các thời kỳ”, là dịp để chia sẻ về quan hệ hữu nghị Việt - Trung, đặc biệt
là truyền tải thông điệp về vai trò, quyết tâm của học sinh, sinh viên hai nước
qua các thời kỳ đối với việc thúc đẩy tầm nhìn cho kỷ nguyên phát triển mới của
mỗi Đảng, mỗi nước và quan hệ hai dân tộc anh em.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Chương trình "Gặp gỡ
lưu học sinh, sinh viên Việt Nam - Trung Quốc các thời kỳ". (Ảnh: Đinh
Hòa)
Nhìn lại chặng đường lịch sử cách mạng gắn bó giữa hai nước,
Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ sự biết ơn, tự hào và trân trọng trước công lao to lớn
của các thế hệ Lãnh đạo hai Đảng, hai nước, trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh
và Chủ tịch Mao Trạch Đông đã đặt nền móng cho “mối tình thắm thiết Việt - Hoa,
vừa là đồng chí, vừa là anh em” và được các thế hệ lãnh đạo hai bên dày công
vun đắp; nhấn mạnh trong suốt chặng đường cách mạng hào hùng, hai Đảng, hai nước
và nhân dân hai nước luôn dành cho nhau sự giúp đỡ, ủng hộ to lớn, chí nghĩa,
chí tình; bày tỏ tri ân với việc Trung Quốc đã tiếp nhận và tạo điều kiện tốt
nhất cho cán bộ, lưu học sinh, sinh viên Việt Nam sang học tập, nghiên cứu, để
từ đó nhiều thế hệ trí thức Việt Nam đã trưởng thành, có đóng góp quan trọng
vào sự nghiệp cách mạng của Việt Nam và tình hữu nghị giữa hai đất nước.
Nhấn mạnh sự phát triển ổn định, bền vững lâu dài của quan hệ
hai Đảng, hai nước là nguyện vọng thiết tha, lợi ích cơ bản của hai dân tộc,
phù hợp với xu thế lớn của thời đại, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Đảng và Nhà
nước Việt Nam nhất quán coi trọng và ưu tiên hàng đầu, quyết tâm cùng Đảng, Nhà
nước Trung Quốc phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng
Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, vì hạnh
phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Vui mừng nhận thấy thanh niên hai nước đang phát huy tốt vai
trò “sứ giả văn hóa trẻ”, là những nhịp cầu nối liền tình hữu nghị hai nước, Tổng
Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, thế hệ trẻ luôn được Lãnh đạo hai Đảng, hai nước đặc
biệt quan tâm và kỳ vọng sẽ kế thừa truyền thống hữu nghị, mang đến sức sống
mãnh liệt và tương lai tươi sáng cho quan hệ Việt - Trung; thực tế cho thấy,
tình cảm của nhân dân hai nước được khơi nguồn và được duy trì cũng từ thế hệ
trẻ; thế hệ trẻ hai nước chính là lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong việc
đưa quan hệ Việt - Trung phát triển tốt đẹp, thực sự hiệu quả, bền vững lâu
dài.
Thứ nhất, thế hệ trẻ hai nước cần nâng cao nhận thức sâu sắc
về bề dày lịch sử, ý nghĩa quan trọng và tầm cao chiến lược của quan hệ hai Đảng,
hai nước. Tôi hết sức chia sẻ ý kiến sâu sắc của đồng chí Tập Cận Bình tại buổi
"Gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ hai nước Việt Nam - Trung Quốc"
năm 2023 là: "Tình hữu nghị Trung - Việt có nền tảng nằm ở nhân dân và
tương lai nằm ở thanh niên". Thanh niên hai nước có vinh dự và trách nhiệm
tiếp nối, đưa quan hệ giữa hai nước láng giềng xã hội chủ nghĩa chúng ta phát
triển lên tầm cao mới.
Thứ hai, thanh niên hai nước cần nỗ lực học tập, rèn luyện,
không ngừng phấn đấu vươn lên làm chủ khoa học công nghệ để đóng góp thiết thực,
sáng tạo vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển lực lượng sản
xuất mới của mỗi nước, góp phần củng cố nền tảng vật chất của quan hệ hai nước.
Tôi đề nghị các bạn lưu học sinh, sinh viên Việt Nam tranh thủ cơ hội học tập,
nghiên cứu quý báu ở Trung Quốc để tiếp thu tinh hoa văn minh Trung Hoa và những
thành tựu, kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ tiên tiến
của nước bạn Trung Quốc. Chúng tôi luôn hoan nghênh ngày càng nhiều thanh niên
Trung Quốc đến Việt Nam học tập, tìm hiểu về tiếng Việt và văn hoá Việt Nam,
cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, phát triển.
Thứ ba, các cơ quan và tổ chức đoàn thể của hai nước tiếp tục
bám sát nhận thức chung cấp cao về việc tăng cường, đổi mới sáng tạo công tác
tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ hai nước về tình hữu nghị truyền thống giữa
hai Đảng, hai nước và thành tựu phát triển của mỗi nước, qua đó nâng cao niềm tự
hào, tự tin của thanh niên. Các cơ quan giáo dục, đào tạo hai nước cùng thúc đẩy
việc thực hiện tốt các thoả thuận đã ký kết, mở rộng và làm sâu sắc, thiết thực
hơn nữa các hình thức giao lưu, hợp tác về văn hoá, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu”.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ phát biểu tại Chương
trình. (Ảnh: Đinh Hòa)
Phát biểu tại Chương trình, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam
Hà Vĩ ôn lại những dấu mốc lớn trong lịch sử quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng,
hai nước. Đại sứ nhấn mạnh, trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc,
hai nước luôn sát cánh bên nhau, cùng chung hoạn nạn và ủng hộ lẫn nhau.
Đại sứ Hà Vĩ bày tỏ vui mừng trước xu thế phát triển mạnh mẽ
của quan hệ song phương những năm qua, đặc biệt là từ khi Lãnh đạo cao nhất hai
Đảng, hai nước nhất trí nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện,
xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa
chiến lược. Đánh giá cao những thành quả tốt đẹp hai bên đã đạt được trong các
lĩnh vực chính trị đối ngoại, hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, văn hóa,
giáo dục, giao lưu nhân văn, củng cố nền tảng xã hội giữa hai nước, Đại sứ Hà
Vĩ bày tỏ kỳ vọng thế hệ trẻ, lưu học sinh, sinh viên Việt Nam - Trung Quốc sẽ
tiếp tục kế thừa, gìn giữ và phát huy tốt truyền thống hữu nghị, tài sản chung
quý báu của hai dân tộc.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Chủ tịch Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí
Minh, cựu học sinh trường học Việt Nam tại Quảng Tây kể: “Khi mới 13 tuổi, tôi
cùng các học sinh Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi được gửi sang học tại
Trường Dục Tài Quế Lâm. Khi đó, Việt Nam rất khó khăn, thiếu thốn, Trung Quốc
cũng khó khăn. Thế nhưng, các trường Trung Quốc đã dành cho học sinh Việt Nam
điều kiện tốt nhất có thể.
Tôi vẫn nhớ rõ bữa cơm ở nhà bếp Dục Tài. Học sinh Trung Quốc
thường ăn trong những chiếc bát lớn, thức ăn cho vào chung. Còn học sinh Việt
Nam được ngồi thành từng mâm 4-5 người, mỗi người có khẩu phần riêng. Cảm nhận
đầu tiên của tôi khi ấy là bạn đang dành cho Việt Nam điều kiện tốt nhất.
Trường Nguyễn Văn Trỗi tồn tại 5 năm 6 tháng, trong đó có 20
tháng đặt tại Trung Quốc. Những học sinh từng được đào tạo trong môi trường đó,
dù sau này làm nghề gì, vẫn luôn ý thức rằng quan hệ Việt - Trung là láng giềng
hữu nghị. Chúng tôi có trách nhiệm vun đắp tình hữu nghị ấy.
Chưa bao giờ cơ hội hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung
Quốc tốt như ngày hôm nay. Chúng ta đang hợp tác chặt chẽ trong giáo dục, kinh
tế và nhiều lĩnh vực khác. Tôi tin rằng, trong 100 năm tới, quan hệ hai nước sẽ
ngày càng phát triển mạnh mẽ, rực rỡ hơn nữa”.
Bà Lư Mỹ Niệm, nguyên phiên dịch Trường 2/9 Việt Nam tại Quảng
Tây kể lại chuyện trong quá khứ: “Quế Lâm khi đó rất nghèo, người dân quanh trường
vẫn mặc quần áo vá, ăn uống đơn giản. Nhưng học sinh Việt Nam được ưu tiên có
suất cơm đầy đủ. Phía Trung Quốc cũng cử hơn 50 người, từ giáo viên, cấp dưỡng
đến thợ điện, để hỗ trợ trường. Tôi làm phiên dịch đồng thời lắng nghe phản ánh
của các em học sinh rồi báo lên Ban Ngoại vụ Quế Lâm. Tôi luôn coi các em như
người thân trong gia đình.
Cả cuộc đời tôi lớn lên trong tình hữu nghị Việt - Trung.
Tôi luôn tự nhủ phải làm sao để đền đáp tình hữu nghị mà mình đã nhận được. Hy
vọng thế hệ sau sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp này”, bà
Lư Mỹ Niệm nói.
Ông Lý Tiêu Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Quảng
Tây cho biết, Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây là một trong những trường có
đông lưu học sinh Việt Nam nhất tại Trung Quốc. Cơ sở của trường tại Nam Ninh
và Quế Lâm từng là địa điểm của các trường Dục Tài dành cho học sinh Việt Nam,
nơi từng đón hơn 10.000 học sinh Việt Nam theo học. Hiện nay, trường đang đào tạo
hơn 5.000 lưu học sinh Việt Nam. Trước những yêu cầu của bối cảnh và thời đại mới,
Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy hợp
tác giáo dục giữa hai nước như: phối hợp với các trường đại học Việt Nam đẩy mạnh
giảng dạy ngôn ngữ, tổ chức các cuộc thi như "Nhịp cầu Hán ngữ", tạo
nền tảng vững chắc cho sinh viên Việt Nam học tập và nghiên cứu. Gia tăng số lượng
suất học bổng dành cho lưu học sinh Việt Nam, thu hút nhiều hơn sinh viên ở các
trình độ khác nhau, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng. Đặc biệt, thúc đẩy
hiểu biết lịch sử hữu nghị hai nước thông qua chương trình "Theo dấu chân
Hồ Chí Minh”…
Trường cũng có kế hoạch mở rộng hợp tác với các đại học lớn
của Việt Nam để đào tạo tiếng Trung và tiếng Việt, thúc đẩy trao đổi lưu học
sinh hai chiều. Đồng thời, ứng dụng công nghệ hiện đại để xây dựng các trung
tâm đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng cho sự hợp tác sâu sắc hơn giữa hai bên.
Trong không khí hữu nghị, các đại biểu xúc động nghe các lão
thành, nhân sỹ hữu nghị Trung Quốc và các bạn sinh viên hai nước chia sẻ, cùng
ôn lại những kỷ niệm sâu sắc, tình cảm tốt đẹp trong thời gian học tập, làm việc
tại Trung Quốc, Việt Nam; đồng thời thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng về tương lai
tương sáng đối với sự phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước và nhân dân hai
nước.
Chương trình “Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam -
Trung Quốc các thời kỳ” là sự kiện trọng điểm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ
niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (18/01/1950 - 18/01/2025) và
“Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc”.
Trong khuôn khổ chương trình, Tổng Bí thư Tô Lâm đã cùng các
lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam xem
Trưng bày ảnh về thành tựu 75 năm quan hệ Việt Nam-Trung Quốc; và trồng cây
“Giao lưu nhân văn Việt-Trung”. Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc lại kỷ niệm cố Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng trồng cây “Hữu nghị” tại cửa khẩu Hữu Nghị và ý nghĩa sự
kiện trồng cây “Giao lưu nhân văn Việt - Trung”. Tổng Bí thư mong muốn các tầng
lớp nhân dân và thế hệ trẻ hai nước kế thừa và phát huy tốt truyền thống hữu
nghị, thúc đẩy quan hệ Việt - Trung không ngừng phát triển tốt đẹp.
Theo Thời Đại