Sáng ngày 18-6-2019, tại Nhà máy Thủy điện Trị An
(huyện Vĩnh Cửu), Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh phối hợp cùng Hội hữu nghị
Việt Nam – Liên Bang Nga và Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai tổ chức chương
trình “Thủy điện Trị An – Dấu ấn hữu nghị Việt – Nga” kỷ niệm 25
năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản quan hệ hữu nghị (1994 - 2019) và hướng
tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên Bang Nga (1950
- 2020). Tham dự có Ngài Aleksei V.Popov - Tổng Lãnh sự Liên Bang
Nga tại TP. Hồ Chí Minh, Bà
Nguyễn Hòa Hiệp – Phó Chủ
tịch UBND tỉnh Đồng Nai cùng lãnh đạo các cơ quan đơn vị Trung
ương và tỉnh Đồng Nai, đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
.JPG)
Tình hữu nghị Việt – Nga trên mảnh
đất Đồng Nai
Hưởng ứng các hoạt động chào
mừng kỷ
niệm Năm chéo hữu nghị Việt Nga, Chương
trình “Thủy điện Trị An – Dấu ấn hữu nghị Việt – Nga” được tổ chức tại công trình lịch sử ghi dấu tình hữu nghị
giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Liên Xô trước đây (Liên Bang Nga sau này)
trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tham dự chương trình, Tổng Lãnh sự Liên bang Nga tại
TP.HCM Ngài
Aleksei V.Popov và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn
Hòa Hiệp phát biểu điểm lại những thành tựu to lớn trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai
nước. Đối với tỉnh Đồng Nai, Công
trình Thủy điện Trị An không
chỉ có ý nghĩa kinh tế chính trị rất to lớn và tầm quan trọng quyết định đối với
hệ thống năng lượng miền Nam khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, mà còn là thành quả của tình hữu nghị Việt – Xô
và sẽ còn được phát huy giá trị mạnh mẽ trong mối quan hệ giao lưu nhân dân giữa
hai nước; đồng thời tin tưởng những giá trị di sản hữu nghị và tương trợ lẫn nhau được tích
lũy trong thời gian qua sẽ còn được chính phủ và nhân dân hai nước gìn giữ,
phát huy trong tương lai.
Chương trình điểm lại mối quan hệ hữu nghị hợp
tác và giao lưu nhân dân giữa tỉnh Đồng Nai với Liên Bang Nga qua phim tài liệu “Nhà máy Thủy điện Trị An và
tình hữu nghị Việt – Nga trên mảnh đất Đồng Nai”; gặp gỡ và giao lưu
với cựu cán bộ và lãnh đạo nhà máy chia sẻ về quá trình xây dựng và đưa vào vận
hàng nhà máy Thủy điện Trị An, tình cảm của nhân dân cả nước mà đặc biệt là sự
giúp đỡ to lớn của những chuyên gia Liên Xô tham gia trực tiếp vào công trình. Ông Nguyễn Bá Mẫn – nguyên Giám đốc
Ban Quản lý công trình Thủy điện Trị An đã chia sẻ “Rất nhiều chuyên gia và kỹ
sư người Nga và người Việt từng tham gia xây dựng Thủy điện Trị An lúc bấy
giờ vẫn khó quên được những kỷ niệm sâu sắc ngày ấy, tuy vất vả nhưng
mọi người cùng đồng lòng dốc sức để hoàn thành công trình”; còn theo
ông Trịnh Phi Anh, nguyên Giám đốc Công ty thủy điện Trị An, ngoài đưa
người sang học tập tại Nga, phía Liên Xô còn cử nhiều giáo sư, tiến
sĩ trên lĩnh vực này sang tận nơi để đào tạo về quản lý, kỹ sư,
công nhân cho phía Việt Nam. Các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia, kỹ sư
Liên Xô rất nhiệt tình, cũng chính vì vậy năm 1990 khi họ về nước
giao lại toàn bộ công trình Thủy điện Trị An lại cho Việt Nam quản
lý, vận hành và phát điện rất thuận lợi, không gặp bất cứ vướng
mắc gì.
Công
trình lịch sử Thủy điện Trị An
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, Thủy điện Trị
An là công trình lớn của quốc gia được bắt đầu
khởi công vào ngày 30/4/1984. Công trình Thủy điện Trị An không chỉ là kết tinh của tri
thức, của trí tuệ, mà còn là kết tinh của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước
Việt - Nga, được xây dựng bằng sự giúp đỡ chí
tình của những người bạn Liên Xô và công sức đóng góp quý báu của Nhân dân các
tỉnh thành phía Nam Tổ Quốc. Trong quá trình xây dựng Thủy điện Trị An, nước
bạn Liên Xô đã cử khoảng 500 chuyên gia, kỹ sư, kỹ thuật viên đến Đồng Nai hỗ
trợ xây dựng, tài chính và công nghệ. Sau 4 năm thi công, ngày 30/4/1988, Thủy điện Trị An
(huyện Vĩnh Cửu) đã khánh thành đi vào hoạt động. Đây là thành quả
của tình hữu nghị Việt - Xô, bởi công trình này đã nhận được sự hỗ
trợ rất lớn từ phía Liên Xô cũ. Việc Nhà máy Thủy điện Trị An đi vào hoạt
động đã giải quyết tình trạng thiếu điện nghiêm trọng của các
tỉnh phía Nam lúc bấy giờ. Với công suất 400 MW vào thời điểm đó,
Thủy điện Trị An có công suất lớn thứ 2 trên cả nước.
Có thể nói công trình Thủy điện Trị An là niềm tự
hào của người dân Đồng Nai cũng như cả nước lúc bấy giờ và trong ấy
còn xen lẫn lòng cảm kích đất nước Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam từ
khâu thiết kế đến con người, máy móc thiết bị và đào tạo lớp kỹ
sư, công nhân có tay nghề cao cho phía Việt Nam để có thể tiếp quản,
vận hành tốt sau khi họ rút về. Các chuyên gia, kỹ sư Liên Xô cũ
đã cùng miệt mài làm việc không kể ngày đêm cùng phía Việt Nam để
công trình hoàn thiện đảm bảo tốt nhất về kỹ thuật.
.JPG)
Đã hơn 30 năm qua, Thủy điện Trị An dưới sự hỗ trợ
của Liên Xô cũ vẫn hoạt động ổn định. Máy móc thiết bị của nhà máy
hầu hết của phía Liên Xô cũ cung cấp đến nay vẫn hoạt động tốt,
không xảy ra bất kỳ sự cố nào. Đến ngày nay, Thủy điện Trị An vẫn là
công trình đa mục tiêu với chức năng như: điều tiết lũ, cấp nước và
phát điện, trong đó vai trò điều tiết lũ đã giúp vùng hạ du bớt bị
ngập lụt và vào mùa khô cũng đỡ bị xâm nhập mặn thiếu nước sản
xuất, sinh hoạt, giúp những vùng ven sông phát triển trồng bưởi và
các cây trồng khác rất tốt, giúp nông dân có thu nhập ổn định hơn.
LÊ HƯƠNG