Biên
Hòa là một thành phố công nghiệp và là trung tâm hành chính của tỉnh Đồng Nai,
thuộc vùng Đông Nam Bộ, Việt Nam. Thành phố Biên Hòa là một trong những thành
phố thuộc tỉnh có nền công nghiệp phát triển với tốc độ tăng trưởng được xếp
vào loại đứng đầu cả nước; là đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng
điểm phía Nam, có dòng sông Đồng Nai chảy qua; và là thành phố thuộc tỉnh có
dân số đông nhất cả nước, tương đương với 2 thành phố trực thuộc trung ương là
Đà Nẵng và Cần Thơ và cao hơn dân số của 37 tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương.
Cùng
nhìn lại lịch sử hình thành vùng đất Biên Hoà, Đồng Nai
Từ
trước khi có dấu chân người Việt thì tại đây đã trải qua nhiều biến cố lịch sử
gắn liền với các vương quốc Phù Nam và Chân Lạp. Tới khoảng thế kỷ XVII, do
chính sách mở rộng lãnh thổ về phía Nam của chúa Nguyễn, đã bắt đầu có những đợt
di dân người Việt tới đây. Năm 1698 được coi là dấu mốc quan trọng khi Thống suất
Nguyễn Hữu Cảnh (còn có tên Nguyễn Hữu Kính) được chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào
kinh lược xứ Đàng Trong đã thành lập dinh Trấn Biên, tiền thân của tỉnh Biên
Hoà sau này. Năm Gia Long thứ 7 (1808), dinh Trấn Biên được đổi thành trấn Biên
Hòa, huyện Phước Long thuộc dinh Trấn Biên được nâng lên thành phủ Phước Long,
các tổng được nâng lên thành huyện. Trấn Biên Hòa (gồm 1 phủ Phước Long) là một
trong 5 trấn dưới thời Gia Long, thuộc Gia Định thành.
Đền
thờ Nguyễn Hữu Cảnh tại Biên Hoà, Đồng Nai (Ảnh: Sưu tầm)
Trấn
Biên Hoà (1808 – 1832) hay tỉnh Biên Hòa (1832 – 1861) có địa giới hành chính rộng
lớn, bao gồm vùng đất các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Bình
Dương và một phần của Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, với tổng diện tích lên đến
trên 17.000 km².
Biên
Hoà thời nhà Nguyễn
Ban
đầu tỉnh Biên Hòa có 2 phủ Phước Long và Phước Tuy. Đến năm 1840 đặt thêm 4 phủ:
Tân Định, Tân Bình, Tân Lợi, Tân Thuận và nhiều huyện. Theo Hiệp ước Nhâm Tuất
năm 1862, Biên Hòa bị cắt nhượng cho Pháp cùng với Gia Định và Định Tường.
Biên
Hoà thời Pháp thuộc
Năm
1876, tỉnh Biên Hòa bị Pháp giải thể và biến thành 3 tiểu khu: Biên Hòa, Thủ Dầu
Một và Bà Rịa. Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông
Dương, đổi tên tất cả các tiểu khu thành tỉnh. Thời kỳ này, địa giới tỉnh Biên
Hòa bao gồm tỉnh Đồng Nai, một phần các tỉnh Bình Phước và Bình Dương hiện tại.
Năm 1939, tỉnh Biên Hòa có 5 quận: Châu Thành, Long Thành, Xuân Lộc, Tân Uyên,
Núi Bà Rá.
Đồng
Nai – Biên Hoà thời Việt Nam Cộng hòa
Ngày
22 tháng 10 năm 1956, Ngô Đình Diệm ra Sắc lệnh 143-NV chia tỉnh Biên Hòa thành
3 tỉnh: Biên Hòa, Long Khánh, Phước Long (có thêm phần đất của tỉnh Thủ Dầu Một).
Ngày
23/1/1959, tách một phần đất quận Tân Uyên, cùng phần đất của các tỉnh khác lập
tỉnh Phước Thành. Khi đó tỉnh Biên Hòa phía bắc giáp tỉnh Phước Thành, phía
đông giáp tỉnh Long Khánh, phía đông nam giáp tỉnh Phước Tuy, phía tây và tây
nam giáp hai tỉnh Bình Dương và Gia Định.
Ngày
9/9/1960, tách một phần đất quận Long Thành, lập quận Nhơn Trạch, quận lỵ đặt tại
Phú Thạnh. Quận Nhơn Trạch có 2 tổng: Thành Tuy Trung và Thành Tuy Hạ. Đồng thời
nhập 2 quận Quảng Xuyên, Cần Giờ (tỉnh Phước Tuy) vào tỉnh Biên Hòa
Ngày
22/3/1963, lập quận mới Công Thanh, gồm 2 tổng Thanh Quan và Thanh Phong, quận
lỵ đặt tại Tân Phú.
Năm
1972, tỉnh Biên Hòa có 6 quận là: Quận Đức Tu, Công Thanh, Tân Uyên, Dĩ An, Long
Thành và Nhơn Trạch.
Tỉnh
Đồng Nai sau 1975
Tháng
2 năm 1976, tỉnh Biên Hòa được sáp nhập với Bà Rịa và Long Khánh thành tỉnh Đồng
Nai mới, tỉnh lỵ đặt tại thành phố Biên Hòa. Tuy nhiên, đến năm 1991, địa bàn tỉnh
Phước Tuy cũ lại được tách ra để tái lập tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Hiện
nay, địa danh Biên Hòa dùng để chỉ thành phố Biên Hòa, đơn vị hành chính cấp
huyện trực thuộc tỉnh Đồng Nai và là tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Nai.
Biên
Hòa - Đồng Nai: Vùng đất mang nhiều giá trị văn
hóa to lớn
Trải
qua một quá trình dài hình thành và phát triển, mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai mang
nhiều giá trị văn hóa - lịch sử tiêu biểu. Không chỉ nổi danh với những công
trình kiến trúc, di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia, đây cũng là nơi
nhiều danh nhân từng sinh sống, làm nên những chiến công oanh liệt.
Theo
số liệu của Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch, Đồng Nai hiện có 61 di tích đã được
Nhà nước xếp hạng, trong đó có: 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt - danh
thắng Vườn quốc gia Cát Tiên (2011), Mộ cự thạch Hàng Gòn (2015), 29 di tích xếp
hạng cấp quốc gia, tiêu biểu như: Địa điểm chiến thắng La Ngà (1986), Chùa Đại
Giác (1990), Đình Tân Lân (1991), Chùa Ông/Thất Phủ cổ miếu (2001) và 30 di
tích xếp hạng cấp tỉnh, tiêu biểu như: Đình Bình Quan (2004), Địa điểm Căn cứ Tỉnh
ủy Biên Hòa (2005), Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương (2017).
Văn
miếu Trấn Biên - di tích cấp quốc gia tại Biên Hoà, Đồng Nai (Ảnh: Sưu tầm)
Bên
cạnh các di tích tiêu biểu, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai cũng ghi dấu những vị
anh hùng được hậu thế lưu truyền và tôn kính. Không thể không kể đến công lao của
Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh, người “mở đường” tại vùng đất phía Nam, mở ra một
thời kỳ phát triển mới cho người Việt trên mảnh đất này. Danh tướng Trần Thượng
Xuyên với sự phát triển Cù lao Phố. Hay tác giả Trịnh Hoài Đức với bộ sách Gia
Định thành thông chí - một nguồn sử liệu quý, có giá trị để lại cho hậu thế. Thời
kỳ cận đại, chúng ta có những anh hùng xả thân vì nước với tinh thần kháng Pháp
cao độ như danh tướng Nguyễn Tri Phương (khi ông rút quân nhà Nguyễn về lập tuyến
phòng thủ tại Biên Hòa), thủ lĩnh phong trào Hội kín Đoàn Văn Cự, tổ chức chống
Pháp mang tên Lâm Trung Trại…
Vùng
đất Biên Hòa - Đồng Nai cũng lưu dấu một thời kì cách mạng hào hùng dưới sự
lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân ta.
Sau khi chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Biên Hòa ra đời lấy tên gọi là chi bộ
Bình Phước - Tân Triều do đồng chí Hoàng Minh Châu làm Bí thư, đã khởi đầu một
giai đoạn các phong trào cách mạng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam. Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954) và chống Mỹ (1954-1975), dưới sự
lãnh đạo của Trung ương Đảng, Hồ Chủ tịch, Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục, Khu ủy
miền Đông, Đảng bộ và quân dân tỉnh Đồng Nai đã xây dựng truyền thống đoàn kết,
kiên cường, lập nên nhiều chiến công chói lọi, kết thúc với Chiến dịch Hồ Chí
Minh lịch sử 1975, giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà, cùng cả nước bước vào kỷ
nguyên độc lập tự do, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Với
bề dày lịch sử đáng tự hào ấy, Biên Hoà – Đồng Nai quả là một địa danh thú vị
cho chúng ta tìm hiểu và khám phá. Đó cũng là cách mà thế hệ trẻ góp phần gìn
giữ bản sắc, vun đắp niềm tự hào, tình yêu với mảnh đất miền Đông gian lao mà
anh dũng.
Đỗ
Huệ