Hàn
Quốc là quốc gia thuộc khu vực Đông Bắc Á, nằm trên bán đảo Triều Tiên với nhiều
bất ổn về chính trị trong thế kỷ XX. Tuy nhiên, với những biện pháp cứng rắn
trong phát triển kinh tế và ổn định chính trị xã hội của chính phủ, Hàn Quốc đã
có những bước phát triển thần kỳ trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 trên thế giới
vào năm 1996 và trở thành một trong bốn con rồng ở Châu Á.
Song song với phát triển kinh tế,
Hàn Quốc cũng chú trọng phát triển mối quan hệ với các tổ chức quốc tế và các
quốc gia trên thế giới, trở thành thành viên tích cực của nhiều tổ chức quốc tế.
Trong những năm cuối của thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, Hàn Quốc bắt đầu chú trọng
các hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm đưa hình ảnh đất nước, con người và văn
hóa Hàn Quốc gần hơn với bạn bè quốc tế nhất là các nước trong khu vực Đông Nam
Á.
1. Lịch sử đất nước Hàn Quốc
Dân tộc Triều Tiên có khoảng 5.000
năm lịch sử. Năm 2333 trước Công nguyên, nước Ko-Choson (Cổ Triều Tiên) ra đời,
bao gồm cả vùng Mãn Châu, Hoa Đông (nay thuộc Trung Quốc) và Bán đảo Triều Tiên.
Nhà nước này tồn tại khoảng 1.000 năm, liên tiếp bị nhà Chu, nhà Hán (Trung
Quốc) xâm lược.
Năm 57 trước Công nguyên, ba nhà
nước phong kiến mới lần lượt hình thành là Ko-Guryo (Cao Cú Lệ) bao gồm phía
Bắc Bán đảo và vùng Mãn Châu, Trung Quốc, Paekche (Bách Tế) và Shilla (Tân La)
ở phía Nam Bán đảo, còn được gọi là thời kỳ Tam quốc. Năm 668, Shilla thôn tính
Ko-Guryo và Paekche, lập nên triều đại Shilla thống nhất, kéo dài gần 3 thế kỷ
(668-918). Từ 918-1392, vua Wang Kon lập ra nước Koryo (Cao Ly, nhà Vương), lấy
Thủ đô là Kaeseong (Khai Thành). Từ 1392-1910, vua Ly Song Gye lập ra nước
Choson (Triều Tiên, nhà Lý), rời đô về Xơ-un (1394), vua Sejong (triều vua thứ
tư) đã sáng tạo ra bảng chữ cái Hangul mà ngày nay vẫn đang được sử dụng.
Năm 1910, Nhật Bản thôn tính Bán
đảo Triều Tiên. Năm 1945, Bán đảo Triều Tiên được giải phóng và bị chia cắt,
hình thành hai nhà nước theo hai chế độ chính trị - xã hội khác nhau lấy vĩ
tuyến 38o Bắc làm ranh giới: phía Nam là Đại Hàn Dân Quốc (thường gọi là Hàn
Quốc, tên tiếng Anh là Republic of Korea) và phía Bắc là CHDCND Triều Tiên (tên
thường gọi là Triều Tiên, tên tiếng Anh là Democratic People's Republic of
Korea).
Ngày 25/6/1950 nổ ra cuộc chiến
tranh Triều Tiên, lúc đầu là giữa hai miền Triều Tiên và sau đó là sự tham
chiến của quân đội Mỹ và một số lực lượng đồng minh, rồi đến sự tham chiến của
quân đội Trung Quốc. Mỹ và CHDCND Triều Tiên ký Hiệp định đình chiến năm 1953,
chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, về mặt thực tế, Bán đảo Triều Tiên vẫn đang
trong tình trạng chiến tranh, Hiệp định Hòa bình chưa được ký.
2. Văn hoá – xã hội – danh lam thắng cảnh Hàn Quốc
Hàn Quốc vốn là một đất nước chỉ có một dân tộc, một tiếng
nói, tuy nhiên, ngày nay yếu tố này đang có nhiều thay đổi. Hàn Quốc đang chuyển
sang xã hội "đa dân tộc, đa văn hóa". Tính đến tháng 6/2013, có khoảng
1,5 triệu người nước ngoài sinh sống tại Hàn Quốc, chiếm 3% dân số Hàn Quốc.
Hình:
tập quán sesi (internet)
Hàn Quốc có nền điện ảnh, âm nhạc và thời trang tương đối
phát triển tại châu Á (Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Việt Nam). Văn hóa Hàn
Quốc đang được du nhập mạnh vào nhiều nước châu Á với tên gọi "Han-lyu
(làn sóng văn hóa Hàn)". Đặc trưng của các món ăn Hàn Quốc là cay và mặn.
Món ăn nổi tiếng là Kim-chi (các loại rau muối thường với ớt), thịt nướng (thịt
ba chỉ, thịt bò), miến lạnh... Hàn Quốc đã tổ chức thành công Thế vận hội Mùa
hè năm 1988 và Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup năm 2002; giành được quyền
đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Châu Á lần thứ 17 (9-10/2014) và Thế vận hội
Mùa đông vào năm 2018.
Hình:
Sân vận động Olympic Thế vận hội mùa Đông 2018 (internet)
Hàn
Quốc có nhiều di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới như: Cung
Chang-đớc (Cung Xướng Đức); thành Su-uân Hoa-sơng (Thuỷ Nguyên Hoa Thành); am Sớc-kyun
(Thạch Quật Am) - Chùa Bul-kuc (Phật Quốc Tự; Kho kinh tự chùa He-in (Hải Ấn Tự
Tàng Kinh Bản Điện); núi lửa ngừng hoạt động Han-la (Hán La) và Đỉnh
Sơng-san-in-chun-bông (Thành Sơn Nhật Xuất Phong), Động nhũ đá tại đảo Chê-chu
(Tế Châu); khu Lăng mộ Hoàng gia Triều đại Chosun. Tại Xơ-un có một số địa
danh đáng chú ý khác như Suối Châng-kiê (Thanh Khê Tuyền), tòa nhà 63 tầng,
tháp truyền hình Nam-san, sông Hàn, Công viên giải trí Lotte World, chợ
Nam-dae-mun (Cửa Nam - Nam Đại môn) và chợ Dong-dae-mun (Cửa Đông - Đông Đại
môn). Ngoài ra còn có Công viên giải trí Everland và Làng văn hóa dân tộc tại
Yông-in (cách Xơ-un khoảng 50 km), đảo du lịch Chê-chu (đây là tỉnh tự trị đặc
biệt, du khách nước ngoài nhập cảnh không cần thị thực)…
Hình: Chùa Bul-kuc – Quốc bảo của Hàn Quốc (Internet)
3. Các
hoạt động ngoại giao văn hoá Hàn Quốc
Trong
những năm sau Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), Hàn Quốc theo đuổi quan hệ đối
ngoại của mình phù hợp với các quốc gia phương Tây, những quốc gia theo chủ
trương dân chủ. Từ năm 1962 khi Hàn Quốc áp dụng chính sách phát triển kinh tế
theo định hướng xuất khẩu và bắt đầu tích cực tham gia vào thương mại quốc tế
trên toàn thế giới, tăng cường các mối quan hệ hợp tác với các nước trong Thế
giới thứ ba. Kể từ những năm 1970, hoạt động ngoại giao của Hàn Quốc tập trung
vào việc tăng cường độc lập và thống nhất trong hoà bình trên bán đảo Hàn. Hàn
Quốc cũng củng cố mối quan hệ với các đồng minh và tham gia tích cực vào các tổ
chức quốc tế.
Sau khi
kết thúc chiến tranh lạnh (1991), Hàn Quốc và Triều Tiên đã xây dựng cơ sở cho
sự tồn tại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thông qua Hiệp định cơ bản Nam –
Bắc và tuyên bố chung về việc phi hạt nhân trên bán đảo, mở rộng vai trò của
mình trên trường quốc tế thông qua việc duy trì và phát triển mối quan hệ với
tất cả các nước. Tính từ năm 1948 đến tháng 3/2002, Hàn Quốc đã thiết lập quan
hệ ngoại giao với 185 nước, có 91 sứ quán, 29 tòa lãnh sự, 4 văn phòng đại diện
và 95 tổ chức quốc tế. Với việc trở thành thành viên chính thức của tổ chức
Liên hợp quốc từ tháng 9/1991, tính đến tháng 5/2002, Hàn Quốc đã trở thành
thành viên của 38 cơ quan, tổ chức quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc (Phạm Quý Long,
2017). Đây là thành công lớn trong hoạt động ngoại giao của Hàn Quốc với tổ
chức quốc tế mang tính đa phương lớn nhất và có quyền lực nhất hành tinh trong
đó phải kể đến sự kiện Ông Ban Ki Moon trở thành Tổng thư ký LHQ thứ 8 từ năm
2007 đến cuối năm 2016.
Thông qua các tổ chức văn hóa quốc tế, các tổ chức
phi chính phủ cùng kiều bào Hàn Quốc đang sinh sống tại các nước, hợp tác quốc
tế về văn hóa của Hàn Quốc tập trung vào đẩy mạnh phát triển văn hóa dân tộc tại
các nước trên thế giới, tham gia các sự kiện văn hóa quốc tế và các chương
trình hợp tác văn hóa các nước như: phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế
như UNESCO, IIC, IFLA, IMC, IAA, IFLA, PEN…; ký kết các hiệp định về văn hóa với
tổng số 81 quốc gia trên thế giới (Hàn Quốc – Xu hướng phát triển của chính
sách văn hóa, n.d.); tổ chức Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế Venice Biennale năm
1995; tham gia các sự kiện văn hóa quốc tế vào năm 1996 như Đại hội Kiến Trúc
quốc tế lần thứ 20 tổ chức tại Tây Ban Nha, Liên hoan Nghệ thuật Quốc tế
Chateau lần thứ 28, Triển lãm các sản phẩm thủ công Hàn Quốc – Nhật Bản; Đăng
cai tổ chức Hội nghị Nghi thức Trà Quốc tế lần thứ 4, triển lãm ảnh quốc tế lần
thứ 17, Hội thảo về văn học Hàn Quốc tại Lima, Peru 1996… Các hoạt động giao
lưu quốc tế thông qua tổ chức diễn đàn Văn học Hàn Quốc – Trung Quốc năm 1996
và mời các đoàn nghệ thuật của Trung Quốc sang biểu diễn tại Hàn Quốc, mời các
nhà giới thiệu và cử các giáo viên tiếng Hàn Quốc giảng dạy âm nhạc truyền thống
Hàn Quốc cho các kiều bào đang sinh sống tại nước ngoài.
Ngoài việc tăng cường phát triển mối quan hệ với các
tổ chức quốc tế và thiết lập quan hệ ngoại giao song phương với các nước lớn
như Mỹ, Nga, Trung, EU,… Hàn Quốc cũng từng bước thắt chặt mối quan hệ với các
nước ASEAN như: Việt Nam, Philippines, Indonesia, Brunei, Singapore,…
Bên cạnh đó, nhằm thực hiện tốt công tác ngoại giao
văn hóa trên toàn cầu, Hàn Quốc đã thành lập Korea Foundation (Quỹ giao lưu Quốc
tế Hàn Quốc) trực thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc vào năm 1991 với nhiệm vụ xây dựng
và phát triển hình ảnh của Hàn Quốc trên thế giới thông qua các chương trình
trao đổi học thuật và văn hóa.
Qua
các hoạt động đối ngoại trên có thể thấy chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng chiến
lược phát triển và quảng bá văn hóa từ nền tảng văn hóa truyền thống giàu bản sắc,
phát huy các thế mạnh của nền văn hóa và đẩy mạnh các hoạt động văn hóa ra khu
vực và trên thế giới.
Lê Hương