40 năm trước, để giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt
chủng và xây dựng lại đời sống mới, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã giúp đỡ quân đội,
chính quyền nước bạn bằng cả tấm lòng. Từ tuyển quân, huấn luyện, xây dựng lực
lượng từ những ngày chiến sự còn căng thẳng đến bảo vệ thành quả của chiến thắng
chế độ diệt chủng trong giai đoạn thập niên 80... Tất cả đều được những cán bộ,
chiến sĩ ấy thực hiện bằng cả trái tim nhiệt huyết và niềm tin vào chính nghĩa.
.jpg)
Đoàn
công tác của tỉnh Kampong Thom và Kampong Cham dâng hương tại khu di tích Đoàn
125 tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: Tư liệu.
Hiện nay ở ấp
Suối Râm, xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ vẫn còn khu di tích Đoàn 125 (tiền thân của
lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia, thành lập ngày
12-5-1978) khánh thành đầu năm 2012 với khu nghĩa trang, nhà lưu niệm và tượng
đài là minh chứng hùng hồn cho tình hữu nghị, đoàn kết của hai dân tộc trong những
giờ phút khó khăn, đau thương nhất.
Kề vai bên nhau
Sống và gắn
bó với vùng đất Cẩm Mỹ từ hàng chục năm nay, từ khi còn là những cánh rừng bạt
ngàn, lác đác vài nhà dân; nhưng ít ai xung quanh biết được ông Đào Ngọc Sơn
(Chủ tịch Hội CCB huyện Cẩm Mỹ) là một trong những người trực tiếp tuyển quân để
gầy dựng Đoàn 125 ngay từ đầu. Mỗi lần ông cùng những người đồng đội cũ gặp lại,
những bài hát gắn bó một thời hào hùng ấy lại được cất vang “Cùng chia cho
nhau, bao hiểm nguy gian khó, giữa cơn mưa nguồn, những khi lưng tựa vách chiến
hào...”
Lục trong
dòng ký ức hơn 40 năm về trước, ông Sơn nhớ lại, hoạt động tuyển quân được đơn
vị ông thực hiện ở các vùng biên giới với Campuchia. Nhiều người tình nguyện
tham gia là nông dân, những người chạy nạn Khmer Đỏ sang Việt Nam và có cả những
người Campuchia sang Việt Nam từ thập niên 60, 70 cũng tình nguyện đầu quân về
lực lượng này.
Ông Sơn nhớ lại:
“Ngày trước tôi ở Lữ đoàn 874, Quân khu 7, năm 1978 thì bắt đầu có lệnh tuyển
quân, giúp nước bạn xây dựng lực lượng để đánh trả Khmer Đỏ. Để tuyển được người
có nguyện vọng, sát cánh cùng tôi là 2 phiên dịch viên người Campuchia, họ đã cố
hết sức để tìm tòi, truyền đạt những gì chúng tôi nói đến với đồng bào họ. Và
những người tình nguyện tham gia được nhanh chóng đưa từ biên giới về sâu trong
khu vực ấp Suối Râm ngày nay để huấn luyện. Thời đó, tất cả đều bí mật, người
nào, đơn vị nào trực tiếp tuyển quân, huấn luyện thì biết thôi, không được lộ
ra để giữ được tính bất ngờ”.
Không chỉ thiếu
thốn về lương thực, thực phẩm, bất đồng ngôn ngữ, chiến sự còn khốc liệt... mà
điều khó khăn, nguy hiểm nhất chính là bệnh sốt rét rừng. Qua trí nhớ của ông
Đào Ngọc Sơn, trong lúc huấn luyện đã có nhiều chiến sĩ Campuchia ngã bệnh rồi
không qua khỏi vì sốt rét nặng và thiếu thuốc men. Khó khăn trùng trùng là thế,
nhưng mọi người lính Campuchia ở căn cứ Suối Râm đã cố gắng hết sức để học hỏi,
rèn luyện, chờ ngày trở về đập tan bè lũ diệt chủng.
.jpg)
Đoàn
công tác của tỉnh Kampong Thom và Kampong Cham dâng hương tại khu di tích Đoàn
125 tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: Tư liệu.
Cũng trực tiếp
tham gia huấn luyện cho Đoàn 125, ông Trần Hồng Thể (Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí
Minh) nhớ lại, ông là cán bộ phụ trách huấn luyện đặc công cho chiến sĩ Campuchia.
Ban đầu tất cả đều dùng ngôn ngữ cử chỉ do chưa có phiên dịch, vài tuần sau có
phiên dịch thì việc giao tiếp, huấn luyện dễ dàng hơn một chút.
“Từ những thứ
cơ bản đến nhưng bước nâng cao, hầu như anh em làm công tác huấn luyện đều hướng
dẫn tận tình. Ban ngày, ban đêm, mà lúc đó là giai đoạn nửa đầu mùa mưa, thời
tiết khá khó chịu, rừng ẩm ướt, nhiều muỗi nhưng không một chiến sĩ Campuchia
nào than khó. Họ nói với chúng tôi rằng khó khăn mấy họ cũng chịu đựng được, chỉ
mong sớm huấn luyện xong, về lại giải phóng quê nhà” – ông Thể tâm sự.
Giúp bạn bằng cả tấm lòng
Sau ngày chiến
thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng nhân dân Campuchia chiến thắng
chế độ diệt chủng (7-1-1979), nhiều đoàn chuyên gia từ các địa phương trong cả
nước lại sang giúp các tỉnh của nước bạn xây dựng lại chính quyền, đời sống mới
từ năm 1980 cho đến khi rút về nước vào năm 1989. Qua hoạt động kết nghĩa này,
cùng với việc các tỉnh nước ta cử đoàn chuyên gia sang giúp các tỉnh bạn, có
tác dụng lớn động viên cán bộ và nhân dân bạn cùng chiến sĩ quân tình nguyện Việt
Nam chiến đấu chống bọn Khmer Đỏ, xây dựng lại Campuchia; khi đó, tỉnh Đồng Nai
kết nghĩa với tỉnh Kampong Thom.
Dù đời sống của
đoàn chuyên gia khi đó còn nhiều khó khăn nhưng không ít lần cùng chính quyền địa
phương của nước bạn tổ chức cứu tế gạo, thuốc men cho gia đình có người già yếu.
Như gần cuối mùa mưa 1985, trong lần phát gạo, thuốc ở thị xã Kampong Thom thì
có một cụ già ra nhận đồ và cám ơn sự giúp đỡ của đoàn chuyên gia. Sau này, mọi
người mới biết đó là mẹ của Xà Rương, sư đoàn trưởng 801 quân Khmer Đỏ. Và tấm
chân tình lần ấy của đoàn chuyên gia đã lay động suy nghĩ của Xà Rương; năm
1987 khi Xà Rương ra đầu hàng thì mới kể rằng vì thấy cảnh mẹ già được giúp đỡ
mà nhiều lần không nổ súng dù thấy đoàn chuyên gia Đồng Nai đi vào vị trí phục
kích của đơn vị hắn.
Ông Nguyễn
Văn Thông (Nguyên trưởng đoàn chuyên gia tỉnh Kampong Thom từ năm 1984 – 1988)
viết trong hồi ký Đất Mẹ: “Cuối năm
1988, trước khi rút về nước, chúng tôi đi khảo sát hết vùng sâu, vùng xa, xác định
những điểm địch sẽ đánh chiếm và lên phương án cụ thể, khả thi giúp lực lượng
vũ trang đối phó lúc cần. Chúng tôi tiếp tục làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy
Kampong Thom quanh vấn đề đánh giá đúng mặt mạnh, mặt yếu của lãnh đạo, phân
tích nguyên nhân rồi cũng xác định phương hướng phát huy ưu điểm, khắc phục nhược
điểm”.
Cùng với đoàn
chuyên gia là những chiến sĩ cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ đoàn, dù quy định cứ
mỗi năm được thay quân một lần, nhưng nhiều cán bộ tình nguyện ở lại phục vụ
lâu như ông Nguyễn Tài Sắc (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) ở lại 5 năm, ông Lê
Quang Tâm (xã An Phước, huyện Long Thành) ở lại 3 năm...v.v... Với họ, đó là những
năm tháng tuổi trẻ “cháy” hết mình vì nhiệm vụ, vì tình cảm với nước bạn
Campuchia để bây giờ mỗi khi gặp lại nhau ai nấy đều rất mừng vì thấy đồng đội
năm xưa còn khỏe mạnh.
.jpg)
Ông
Nguyễn Tài Sắc (cán bộ cảnh vệ của đoàn chuyên gia Đồng Nai) cùng cháu ngoại ôn
lại kỷ niệm thời còn công tác ở Campuchia. Ảnh:
Đăng Tùng.
Ông Nguyễn
Tài Sắc cho biết: “Ai cũng muốn được sống trong hòa bình, vui vẻ, hạnh phúc,
không ai muốn phải cầm súng bắn nhau cả, nhưng vì lòng căm thù với lũ Khmer Đỏ
tàn ác và bảo vệ đất nước mà chúng đã lên đường làm nhiệm vụ đầy nguy hiểm này.
Sau này trở về Việt Nam, tôi vẫn luôn tự hào với bạn bè rằng tôi đã có một thời
tuổi trẻ sống hết mình với nhiệm vụ, giúp đỡ nhân dân Campuchia xây dựng đời sống
mới và bảo vệ đoàn chuyên gia của Đồng Nai an toàn trên nước bạn”.
Đăng Tùng