Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Thứ 6 - 26/02/2016
Nhiệt liệt chào mừng 79 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024)!
Đảng Cộng sản Việt Nam - Người lãnh đạo, tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam!
Việt Nam - Lào: Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện
“Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”
Thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Pha ri

Sẩm tối, nhận lịch gác xong, Đào rủ tôi ra ngoài thị xã đến nhà chị Phên chơi. Chị Phên là y sĩ người Campuchia, Đào quen hồi đầu năm 1979. Đào kể, chồng chị Phên là giáo sư dạy tại Trường đại học y khoa Phnôm Pênh bị Pôn Pốt giết năm 1978, khi chị vừa sinh bé Pheng được bốn ngày..


Bước từ trong nhà ra là một cô bé trạc mười hai, mười ba tuổi, dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng, đôi mắt đen sáng, gương mặt rất xinh xắn:

-         Tèng ố pu. Chùm riếp xua coong tóp Việt Nam! (Chào các chú bộ đội Việt Nam ạ?)

Cô bé nhoẻn miệng cười lễ phép. Rồi chợt nhận ra Đào, cô reo lên:

- Ua, coong tóp Đào, coong tóp Đào, chè Phên na! (Ủa, bộ đội Đào! Bộ đội Đào, chị Phên ơi!)

Một người phụ nữ từ trong nhà bước rảo ra. Chị mặc chiếc áo sơ mi trắng, quấn xà rông màu tím than, dáng thon, gọn.

Chị niềm nở:

- Chùm riếp xua tèng ố boòng coong tóp Việt Nam. Coong tóp Đào tâu na du ná? (Chào các anh bộ đội Việt Nam. Bộ đội Đào đi đâu mà lâu quá vậy?)

- Đi học chị Phên ơi! Học về làm thầy thuốc, nay ra trường về đây phục vụ nè.

Trong lúc Đào nói chuyện cùng chị, tôi lặng lẽ quan sát. Chị khoảng ba lăm, ba sáu tuổi, nước da trắng, gương mặt trái xoan rất ưa nhìn. Đặc biệt, chị có đôi mắt đen dài thăm thẳm. Chị vẫn đang còn đẹp, vẻ đẹp của người phụ nữ đang tuổi sung sức. Bà cụ mẹ chị, tóc bạc trắng, gương mặt hiền hậu ngồi ở trên giường phía góc nhà thỉnh thoảng lại góp vào câu chuyện. Cụ biết khá nhiều tiếng Việt Nam cho nên có thể hỏi và trả lời chúng tôi những câu hỏi thông thường. Cô bé vừa ra đón chúng tôi tên là Pha-ni, 13 tuổi, là em ruột chị Phên. Cả nhà 11 anh chị em, bị Pôn Pốt giết gần hết, chỉ còn hai chị em sót lại.

Căn nhà chị Phên đang ở nhỏ, khá chật nhưng không bề bộn bởi sự sắp xếp khá ngăn nắp. Tôi nhìn những chiếc gối ôm, chăn, nệm mà cảm thấy ấm áp không khí gia đình.

Chợt phía ngoài cổng có tiếng líu ríu, rồi hai cô gái khoảng mười sáu, mười bảy tuổi từ ngoài bước vào. Hai cô đều có gương mặt giống hệt chị Phên, dáng cao dong dỏng. Chị Phên nói, đây là hai cháu Pha-ri và Chăn Thu, con gái đầu và con gái kế của chị vừa đi cấy ở đồng xa về. Pha-ri mười bảy tuổi, là y tá đã đi làm trong bệnh viện tỉnh, Chăn Thu còn đang đi học. Hai cô tranh thủ ngày nghỉ đi cấy giúp mẹ. Nhận ra Đào, hai cô lại ồn ã, líu ríu một lúc lâu. Pha ri thì có vẻ ngượng ngập, lúng túng. Còn Chăn Thu - cô em cứ ôm lấy vai Đào nũng nịu: Chú Đào hẹn về Việt Nam sẽ mang quà sang cho chúng cháu mà, quà đâu rồi?

Khi chúng tôi ra về thì trời đổ mưa to. Bà cụ mẹ chị Phên lấy cho chúng tôi mượn một tấm ni lông che tạm. Trời tối mù mịt. Thỉnh thoảng lại gặp một toán bộ đội cách mạng Cămpuchia súng đạn lịch kịch đi tuần tiễu.

 

                                                  *
                                                   *                 *

 

Phải đến ba bữa sau, chúng tôi mới trở lại căn nhà nhỏ để trả lại tấm ni lông. Lần này thì chỉ gặp bà cụ, bé Pha-ni cùng các cháu nhỏ. Ba mẹ con chị Phên đi cấy ở đồng xa chưa về. Đặc biệt, tôi mong gặp, mong được nói chuyện với Pha-ri là cô gái mười bảy tuổi con gái lớn của chị Phên mới thoáng gặp lần đầu. Đào hơn tôi ba tuổi, đi bộ đội trước ba năm, tham gia chiến đấu giúp bạn và ở đây ngay từ những ngày đầu giải phóng (7/1/1979) nên rất bạo dạn và quen thuộc. Đào nói, hồi đó Pha-ri còn bé bằng bé Pha-ni bây giờ. Hai chú cháu thường dắt tay nhau đi dạo phố. Đào còn dẫn cô bé vào doanh trại của bộ đội chơi. Cô bé rất yêu quý các chú bộ đội Việt Nam, những người vừa đem xương máu trả lại cho gia đình các cô cuộc sống bình thường của một con người. Đào hẹn, khi nào Pha-ri lớn sẽ đưa Pha-ri sang Việt Nam chơi… Nhưng đấy là chuyện của ba năm về trước. Bây giờ Pha-ri đã là một cô gái mười bẩy tuổi, nhiều e thẹn, ngượng ngập. Đào thì không quan tâm đến điều đó, hắn đã có một đối tượng khác. Còn tôi:

Em choàng lên cổ tôi chiếc khăn cà-ma

“Tặng bòong đấy!”- tiếng em bập bẹ

Nhận làm sao? Trả thì không nỡ

Tôi cầm chiếc khăn, cầm cả ánh mắt người

Đấy là những vần thơ tôi tưởng tượng viết ra bởi đầu óc đầy mơ mộng của mình, chứ thực ra chưa quen biết được một cô gái Campuchia nào những ngày tháng ấy.

Và rồi, tôi cũng được gặp lại Pha-ri, nhưng gặp trong một hoàn cảnh khác đầy mỏng manh, bất trắc.

 

                                             *

                                      *             *

 

          Chiều chủ nhật, chúng tôi tha thẩn đi dọc thị xã Côngpông Chơnăng. Phố xá theo hướng bờ sông Tôn lê Sáp mở ra thật rộng. Xen lẫn giữa những khu nhà cao 4, 5 tầng là những căn nhà dựng toàn bằng lá thốt nốt. Lá thốt nốt kết thành từng tấm lợp mái. Tường nhà được quây bằng lá thốt nốt đan rất đẹp. Một ngôi nhà còn chăng đèn kết hoa - dấu vết của tiệc vui đêm qua, chắc là đám cưới hay đám mừng gì đó. Chúng tôi ghé vào một khu nuôi cá sấu. Những con cá sấu có bộ da sù sì, trông gớm ghiếc với hai hàng răng lởm chởm nhọn hoắt.

Có hai em bé, khoảng bảy, tám tuổi người ở Tân Châu - An Giang, theo cha mẹ sang đây đánh cá. Được nghe tiếng Việt líu ríu yêu thương ở đây sao mà thân thương đến thế. Sông Tôn lê Sáp phẳng lặng như đang nằm ngủ trong màn mưa chiều. Một vài trái núi xanh mờ đằng xa, đỉnh nhọn hoắt choàng mây trắng. Hai cô gái người Campuchia ngồi mổ cá để phơi bên bờ sông. Đống cá cá tra cao ngồn ngộn như đống rơm, đống rạ ở quê nhà. Ở đất nước này, sản vật nhiều nhất có lẽ là cá, đến mùa đánh cá có thể ăn cá thay cơm. Vừa về đến nhà thì nghe anh Đồng phân công tối nay tôi sang trực bên trạm phẫu sư đoàn.

Bảy giờ tối, tôi sang trạm phẫu sư đoàn cách đó khoảng hai trăm mét. Bác sĩ Lê, bác sĩ Trung cùng mấy y sĩ, y tá đang ngồi uống trà. Bác sĩ Lê nói: Cậu cứ nghỉ ngơi cho khỏe, nếu đêm nay có thương thì cùng Tẫm phụ mổ với anh. Mới về được ít ngày nhưng tôi đã nghe tiếng tăm của bác sĩ Lê. Anh ngoài ba mươi tuổi, người phố Hàng Đào, Hà Nội, dáng người cao, đẹp trai, tài hoa. Ngón đàn ghi-ta của anh thì khỏi phải nói, không thua những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Trong các đợt hội diễn quân đoàn, hội diễn toàn quân, anh luôn giành giải cao khi biểu diễn độc tấu ghi-ta. Nhưng nghề chính của anh là bác sĩ phẫu thuật lại còn tài hoa hơn thế. Những thương binh trao vào tay anh là yên tâm, đường đạn dù đi đến đâu, làm rách bao nhiêu phủ tạng, anh đều tìm ra hết. Những ca cắt cụt chi cũng thế. Rất gọn và đẹp. Đường chỉ khâu vết mổ của anh cũng rất đẹp, không bao giờ để lại sẹo xấu. Mọi người nói đùa, sau này hết giặc, nếu anh chuyển sang dân sự mà phẫu thuật  thẩm mỹ cho các bà các cô thì khỏi chê...

Tôi vừa ngồi hóng chuyện, vừa lơ mơ nghĩ về bác sĩ Lê như thế, bỗng có tiếng chuông điện thoại. Tẫm ra nghe xong, quay vào báo cáo. Có một ca phụ nữ Cămpuchia bị trúng đạn lạc chiều nay, đã đưa vào bệnh viện của bạn nhưng họ điện chuyển sang nhờ mình can thiệp phẫu thuật giúp. Bác sĩ Lê đứng ngay dậy: “Chuẩn bị phòng mổ, mọi người vào vị trí công tác!”.

Khi chúng tôi chuẩn bị phòng mổ xong thì nạn nhân cũng vừa được chuyển đến. Trên băng ca là một cô gái trẻ, ngực và bụng quấn băng trắng toát nằm mê man. Tôi bước lại gần. Ánh đèn măng-xông soi vào gương mặt cô gái trông như thoáng gặp ở đâu? Có tiếng chân người bước lại gần. Tôi quay lại: Ủa chị Phên, sao chị lại ở đây?

- Chú ạ, cháu Pha-ri đấy. Chị Phên nói giọng nghèn nghẹn. Chiều nay cháu đang đi cấy với tôi thì bị một viên đạn lạc ở đâu bắn tới. Mong các chú cứu cháu.

- Chị yên tâm. Không sao đâu. Mai mốt là cháu lại khỏe ngay đấy mà - anh Lê bước lại. Và anh ra hiệu cho các hộ lý đưa ngay Pha-ri vào phòng phẫu thuật.

                                                          

   *

                                               *                            *

 

Ca mổ bắt đầu từ chín giờ tối. Y sĩ Doãn phụ trách gây mê. Bác sĩ Lê mổ chính. Bác sĩ Trung phụ mổ. Bác sĩ Lê mở ổ bụng. Y sĩ Tẫm cầm kìm Kelly kẹp cầm máu chảy ra nơi vết mổ. Tôi phụ y sỹ  Tẫm đưa dụng cụ. Hai bác sĩ lần tìm khắp vùng ổ bụng nơi viên đạn đi vào. Viên đạn làm rách mấy đoạn ruột non, xuyên lên dạ dày. Hai bàn tay khéo léo của các bác sĩ khâu hết các vị trí thương tổn. Lúc đầu tôi cũng nghĩ là một, hai tiếng là xong. Không ngờ đường đi của viên đạn rất phức tạp. Tôi và Tẫm đứng phục vụ mệt nhoài. Tẫm đã có kinh nghiệm, chỉ cần anh Lê, anh Trung đưa mắt là biết đưa dụng cụ gì, làm việc gì. Hai chiếc quạt điện chạy hết công suất mà mồ hôi vẫn lấm tấm trên vầng trán của các anh. Ở trong nước vừa đưa sang ít máu khô (huyết tương), anh Lê bảo đem truyền cho Pha-ri. Pha-ri đang cắm cúi cấy lúa. Viên đạn từ xa bắn tới xuyên qua ổ bụng nhưng vì đuối tầm nên mắc kẹt trong đó. Hơn hai tiếng đồng hồ trôi qua vẫn chưa tìm thấy đầu đạn. Anh Lê quay ra góc phòng hội ý với bác sĩ Trung. Rồi hai người quay ra lại tiếp tục công việc.

 Anh Lê quyết định mở lồng ngực. Lại săm soi, kiếm tìm. Kíp mổ vẫn hoạt động rất đều tay. Pha-ri vẫn nằm thiêm thiếp. Em không biết để cứu tính mạng của em, các thầy thuốc Việt Nam đã phải vất vả biết chừng nào. Cả phòng mổ im phăng phắc, một không khí hồi hộp đến căng thẳng. Bác sĩ Lê, bác sĩ Trung vẫn điềm tĩnh lần tìm. Rồi, bỗng bác sĩ Lê dừng tay tìm kiếm. Anh khẽ nói: “Đây rồi!” và gắp ra một cái đầu đạn vứt “coong” vào chiếc khay i-nox. Bác sĩ Trung cười. Viên đạn từ ổ bụng xuyên thủng cơ hoành  xuyên lên phổi, nằm lọt trong lá phổi trái. May mà, nó chỉ đi lệch một chút nữa thì chạm tim. Chúng tôi thở phào như trút đi được một gánh nặng.

- Kim, chỉ - bác sĩ Lê nói.

Tôi vội vàng đưa những chiếc kim đã luồn chỉ tự tiêu sẵn cho anh.

Khi bác sĩ Lê và bác sĩ Trung khâu xong những đường chỉ cuối cùng đóng ổ bụng thì đã gần một giờ sáng. Đêm đã nghiêng sang phía bên kia của một ngày mới. Có tiếng lá rơi lắc rắc nơi những cây dầu ngoài vườn. Chúng tôi bước ra bên ngoài đón làn gió sớm mát lành. Gần bốn tiếng đồng hồ đã trôi qua.

                                                      *

                                           *                     *

Đang ở tuổi ăn tuổi lớn “mười bẩy bẻ gãy sừng trâu” nên sức khỏe Pha-ri hồi phục rất nhanh. Ba ngày sau em đã ngồi dậy được. Một tuần thì em tự đi lại được. Đào bận theo đội công tác xuống phum xa, khám sức khỏe, cho thuốc bà con, nên chỉ kịp chạy đến nhìn thoáng Pha-ri một cái rồi vội vã đi ngay. Chị Phên chăm sóc Pha-ri và luôn miệng cảm ơn bộ đội Việt Nam đã cứu sống con gái chị. Tôi được điều hẳn sang bên Trạm phẫu, nên rảnh việc lại chạy vào thăm Pha-ri. Em đã nhận ra anh bộ đội Việt Nam đến nhà mình bữa nọ và biết tôi đã phục vụ trong ca mổ của em. Điều này trong đạo Phật gọi là có duyên với nhau. Lúc này tôi mới được nhìn kỹ Pha-ri. Em có hai lúm đồng tiền rất xinh. Đôi mắt đen lóng lánh ánh nhìn nguyên sơ, đằm thắm. Chính Pha-ri đã dạy tôi thêm nhiều tiếng Campuchia để có thể tâm sự, giãi bày. Tôi nói: “Pha-ri cũng là y tá. Mẹ Phên cũng là thầy thuốc đã từng chăm sóc bộ đội Việt Nam, thế là huề nhé.” Pha-ri nói: “Tụi Pôn Pốt ác lắm, chúng giết bố em, giết hết các dì, các cậu của em, đày đọa gia đình em. Bộ đội Việt Nam đã cứu sống gia đình em và bao gia đình người Cămpuchia khác. Bộ đội còn cứu sống em lần thứ hai nữa, làm sao em quên được”.

Khi đội công tác của Đào trở về thì Pha-ri đã xuất viện, về tiếp tục làm việc ở bệnh viện của bạn. Một buổi chiều chủ nhật, cả ba chúng tôi lại đi dạo dọc bờ sông Tôn lê Sáp. Đào trêu: “Tôi chịu ông đấy thôi, ông làm công tác dân vận giỏi hơn tôi nhiều”. Pha-ri cười, hai má đỏ ửng, bẽn lẽn: “Chú Đào, toàn nói chuyện đâu đâu.” Lúc này trông em xinh đến lạ lùng. Tôi thầm ước, một ngày nào hết giặc, đất nước bạn trở lại thanh bình, dáng người xinh kia xuất hiện ở thành phố Biên Hòa thân yêu…

                                                    Công pông chơ năng tháng 10 năm 1980

                                                     T.P Hồ Chí Minh, tháng 3 năm 2011

Liên kết webiste

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh đồng nai

Địa chỉ: Số 233, Hà Huy Giáp, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai

ĐT: (02513) 843.909 - Email: dufo.dn@gmail.com​

Số giấy phép hoạt động: 40/GP-TTĐT​ ngày 10/6/2021