Bước vào thế kỷ 21, đối ngoại đa phương
ngày càng có một vai trò quan trọng với các nước cũng như cộng đồng thế giới thể
hiện qua hàng loạt tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc, EU, NAFTA, EFTA, APEC v.v…
hoạt động sôi nổi trong thời gian qua. Nổi bật nhất là tổ chức Hiệp hội các nước
Đông Nam Á - ASEAN (Association of Southeast
Asian Nations) với những đóng góp vào hòa bình và thịnh
vượng của thế giới trong 50 năm hình thành và phát triển ( 8/8/1967 -
8/8/2017). Cụ thể như sau:
.JPG)
Các đại biểu xem triển lãm ASEAN.
Đoàn kết khu vực Đông Nam Á: Từ lúc chỉ
có năm nước tham gia thành lập Hiệp hội đến nay
đã là mười nước gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan,
Brunei, Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar. Các quốc gia đều có chế độ chính
trị khác nhau nhưng đã cùng nhìn về mục đích chung thống nhất là hợp tác đảm bảo
lợi ích quốc gia và khu vực.
Phát triển tính chất
liên kết khu vực: Từ Tuyên bố chung Bangkok (năm 1967) thành lập hiệp hội đơn
sơ liên kết các nước cho đến Hiến chương ASEAN (năm 2007) thành lập Cộng đồng
ASEAN. Như vậy, sự phát triển của ASEAN theo sự thay đổi của thế giới và khu vực
rất sát sao và nhạy bén. Hơn thế nữa ASEAN cũng đóng vai trò chủ đạo trong việc thiết lập nhiều
khuôn khổ quan hệ liên khu vực như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình
Dương (APEC); Hội nghị Thượng đỉnh Á Âu (ASEM); Diễn đàn hợp tác châu Á - Mỹ
La-tinh (FEALAC). Từ đó, ASEAN duy trì được quan hệ ổn định với bên ngoài,
tranh thủ được các nguồn lực để phát triển, và nâng cao vị thế của tổ chức trên
trường quốc tế.
Gìn giữ hòa bình khu
vực và thế giới: Ngay khi thành lập hiệp hội thì khu vực Đông Nam Á đang diễn
ra chiến tranh ở bán đảo Đông Dương. Tuy nhiên vai trò của hiệp hội dần nâng
lên trong việc gìn giữ hòa bình khu vực với hơn 40 năm không còn chiến tranh và
sự can thiệp quân sự của các cường quốc nữa.
.JPG)
Tiết mục văn nghệ tại Chương trình giao lưu văn hóa ASEAN do tỉnh Đồng Nai tổ chức năm 2015.
Mở rộng quan hệ hợp
tác với các nước trên thế giới nhất là về kinh tế: Không chỉ thúc đẩy liên kết nội
khối qua xây dựng Khu vực Thương mại Tự do ASEAN -AFTA, Chương trình Công nghiệp - AICO; ASEAN đã xây
dựng các liên kết kinh tế với nhiều đối tác. Hiện nay, ASEAN đã đạt thỏa thuận
xây dựng khu vực mậu dịch tự do với 6 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn
Quốc, Ốt-xtrây-li-a, Niu Di-lân và Ấn Độ. Đồng thời ASEAN đang thảo luận tiến
tới xây dựng khu mậu dịch tự do với EU.
Tạo thành một thị trường chung Đông Nam Á: Việc xây dựng Cộng đồng kinh tế
ASEAN - AEC đã tạo nên một thị trường ổn định trên thế giới với quy mô 600
triệu dân, diện tích 4.435.670 km2, GDP 1.850 tỷ USD, tổng giá trị
thương mại 2.082 tỷ USD.
Đưa ra một phương
pháp trong đối ngoại đa phương thế giới - Phương thức ASEAN: trong đó chú trọng đối thoại, đồng
thuận, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Chính phương thức mềm dẻo
này đã góp phần củng cố và phát triển ASEAN thành Cộng đồng ASEAN trong thời kỳ
mới. Trong 50 năm qua, ASEAN liên tục kết nạp thành viên và các quốc gia ngày
càng đoàn kết chặt chẽ hơn trên mọi phương diện hợp tác.
Rõ
ràng, những thành tựu to lớn trên đã tạo nên một tổ chức quốc tế khác biệt và
hiệu quả. ASEAN ngày càng thêm uy tín trên diễn đàn quốc tế trong thị trường
quốc tế và công cuộc gìn giữ hòa bình khu vực. Năm 2017, Philippines giữ chức Chủ tịch luân phiên Hiệp
hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng là năm kỷ niệm 50 năm thành lập tổ
chức. Tiếp nối các thành tựu đã qua, chủ đề xuyên suốt trong năm ASEAN
2017 là: “Chúng ta là đối tác hướng tới thay đổi và gắn kết thế giới”. Ông
Martin Andanar, Thư ký của Tổng thống Philippines Duterte cho biết, 6 ưu tiên
mà Philippines sẽ theo đuổi, đó là: định hướng người dân và lấy yếu tố con
người ASEAN làm trọng tâm; hòa bình và ổn định trong khu vực; hợp tác và an
ninh hàng hải; tăng trưởng và đổi mới; khả năng phục hồi của ASEAN; và xây dựng
ASEAN theo mô hình chủ nghĩa khu vực và một đối tác toàn cầu. Chủ đề năm 2017
cho thấy sự lớn mạnh của ASEAN sau hơn 50 năm hoạt động, vươn ra khỏi khu vực châu
Á trong mọi lĩnh vực hợp tác với thế giới đồng thời thể hiện ASEAN luôn trân
trọng sự phát triển của con người ASEAN và hòa bình trong khu vực.
Hiện
nay, tình hình thế giới và khu vực có rất nhiều biến động về an ninh, kinh tế
và chính trị tác động đến sự ổn định của khu vực ASEAN. Tuy nhiên mục đích tôn
chỉ hoạt động xuyên suốt và không đổi của ASEAN trong 50 năm qua là tạo
dựng, duy trì và củng cố môi trường hòa bình và ổn định ở khu vực, tạo điều kiện
để các nước thành viên phát triển và hướng tới sự thịnh vượng chung. Do đó, chắc
chắn chủ đề năm ASEAN 2017 “Chúng
ta là đối tác hướng tới thay đổi và gắn kết thế giới” sẽ
thực hiện thành công góp phần đánh dấu những thành tựu 50 năm tồn tại, hội nhập
và phát triển ấn tượng của các nước ASEAN cũng như Cộng đồng ASEAN non trẻ trên
thế giới.
Nguyễn
Phương Lan
Giám đốc Sở Ngoại vụ Đồng Nai