Năm 2017, hai nước Việt Nam - Campuchia thống nhất phối hợp tổ chức trọng
thể và thiết thực các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại
giao Việt Nam - Campuchia (24/6/1967 - 24/6/2017). Nhân sự kiện trọng đại này,
bài viết giới thiệu đôi nét về những lịch sử đoàn kết gắn bó giữa hai nước, hai
dân tộc, trong đó có sự đóng góp của Nhân dân Đồng Nai.
Ông Im Hen, Tổng Lãnh sự Campuchia tại TP Hồ Chí Minh tham dự lễ 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia, do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Đồng Nai tổ chức.
1. Quan
hệ lịch sử Việt Nam - Campuchia
Việt Nam - Campuchia, hai nước láng giềng,
cùng chung sống trong khu vực Đông Nam Á, có dòng Mê Kông hiền hòa nối liền hai
nước, có đường biên giới chung trên đất liền dài hơn 1.000km và vùng biển liền
kề.
Tình
đoàn kết gắn bó Việt Nam - Campuchia không chỉ bắt nguồn từ sự gần gũi về địa
lý, cùng sẽ chia sự tương đồng và giao thoa hòa bình qua hàng ngàn năm về: lịch
sử, văn hóa, dân tộc mà còn xuất phát từ yêu cầu khách quan và quy luật sống
còn của cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung, giành và giữ độc lập dân tộc của
nhân dân hai nước trước đây, cũng như công cuộc dựng xây và phát triển của mỗi
nước thời hiện tại và cả trong tương lai.
Vào
nửa thế kỷ 19, thực dân Pháp đã lần lượt xâm chiếm và biến cả Đông Dương thành
các xứ bảo hộ hoặc thuộc địa, cả 3 quốc gia đã nhanh chóng chuyển từ mối quan hệ
láng giềng tự nhiên thành mối quan hệ liên minh đoàn kết chiến đấu vì mục tiêu
chung giành độc lập cho mỗi dân tộc.
Sau
Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, một lần nữa nhân dân ba nước lại sát cánh cùng nhau
chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa mới giành lại được. Hội nghị Nhân dân
ba nước Việt Nam – Campuchia - Lào, vào tháng 3/1965 tại Phnôm-pênh, là một
minh chứng hùng hồn về tình đoàn kết, liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung, một
kẻ thù được coi là mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, nhân dân ba nước đã dành cho
nhau sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa trong cuộc chiến tranh trường kỳ, sống còn
của cả 3 dân tộc.
Nhận
rõ chính nghĩa và công lý, Quốc trưởng Nô-rô-đôm Xi-ha-núc đã tuyên bố cắt đứt
quan hệ ngoại giao với Mỹ (3/1965) và đặc biệt vào ngày 24/6/1967 Việt Nam và
Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu một mốc son lịch lử
trong lịch sử quan hệ giữa hai nước.
Tiếc
rằng, tiếng súng chống Mỹ vừa chấm dứt, nhân dân hai nước chưa một ngày được hưởng
hòa bình thì họa mới lại ập tới. Không chỉ xua đuổi trên 500.000 Việt kiều và
phát động cuộc chiến tranh đẫm máu, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam, tàn
sát hàng chục ngàn dân thường trên dọc biên giới Tây Nam, chế độ Khơ-me đỏ còn thực
hiện chính sách cực đoan, cưỡng bức, khổ sai vô cùng tàn bạo, giết hại hơn 2
triệu người dân vô tội, đẩy dân tộc Campuchia vào thảm họa diệt chủng.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh
“giúp bạn là giúp mình” và quyền tự vệ chính đáng nhằm bảo vệ chủ quyền thiêng
liêng của Tổ quốc, đáp lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước
Campuchia, nhân dân và quân tình nguyện Việt Nam, trong đó lực lượng vũ trang
và nhân dân tỉnh Đồng Nai một lần nữa không ngại hy sinh, gian khổ huy động sức
người, sức của giúp đỡ vô điều kiện nhân dân Campuchia chiến đấu và chiến thắng
vẻ vang ngày 7/1/1979, đập tan chế độ diệt chủng Pol Pot, thành lập nước Cộng
hòa Nhân dân Campuchia, khôi phục tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện
Việt Nam - Campuchia.
Sau
Hiệp định hòa bình Paris về Campuchia (tháng 10/1991), nhất là từ 1993 đến nay,
Campuchia trở lại chế độ quân chủ, thực hiện chế độ đa đảng, tình hình thế giới
và khu vực có nhiều phức tạp và biến động khó lường, song tình đoàn kết và quan
hệ hợp tác giữa Việt Nam - Campuchia vừa vẫn không thay đổi, vừa chuyển sang
giai đoạn mới, giai đoạn của quan hệ “láng
giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.
Trên
nền tảng đó, bằng quyết tâm và sự nỗ lực của hai bên, tình đoàn kết gắn bó và sự
hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa
học - kỹ thuật, quốc phòng, an ninh và đối ngoại ngày càng phát triển đi vào
chiều sâu, thiết thực và hiệu quả; hai bên đã cùng nhau giải quyết tốt những vấn
đền còn tồn đọng bằng biện pháp hòa bình, trên tinh thần láng giềng hữu nghị,
tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không cho
phép bất kỳ thế lực thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước mình để xâm hại, phá
hoại an ninh, ổn định của nước kia; tăng cường hợp tác bảo vệ an ninh, giữ vững
ổn định và trật tự trên toàn tuyến biên giới.
Đồng
thời tăng cường quan hệ, giao lưu giữa các tổ chức, các tầng lớp nhân dân, đặc
biệt là giữa tuổi trẻ hai nước nhằm góp sức vào việc giữ gìn, vun đắp cho quan
hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện tiếp tục phát triển.
Các đại biểu và sinh viên Campuchia đang theo học tại Đồng Nai chụp hình lưu niệm.
2. Nhân dân Đồng Nai góp phần
vun đắp tình hữu nghị
Những
tháng đầu năm 1978, mặc dù nền kinh tế của cả nước nói chung, Đồng Nai nói
riêng đang lúc khó khăn, thiếu thốn, nhưng với trách nhiệm với Tổ quốc mình và
với tình hữu nghị với nhân dân Campuchia bè bạn, láng giềng, Đồng Nai vừa giúp
ngài Hunsen thành lập Đoàn 125 tiền thân của Quân đội Hoàng gia Campuchia tại địa
bàn huyện Cẩm Mỹ (ngày nay), vừa cử hàng trăm ngàn lượt con em sát cánh cùng lực
lượng vũ trang cứu nước của bạn cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.
Đã có hơn 1.300 chiến sỹ tình nguyện của Đồng Nai hy sinh hoặc bị thương khi thực
hiện nghĩa vụ quốc tế cao đẹp. Đặc biệt, Khu di tích Đoàn 125 đã được Nhà nước
Việt Nam xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, thể hiện sự quan tâm của Đảng
và Nhà nước Việt Nam nói chung, nhân dân Đồng Nai nói riêng trong việc lưu giữ,
bảo tồn, phát triển khu di tích, biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam
- Campuchia mãi mãi trường tồn cùng tháng năm.
Trong
giai đoạn cách mạng mới, phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị và thực hiện
đường lối đối ngoại của hai Đảng, hai nước, tỉnh Đồng Nai đã kết nghĩa với tỉnh
Kangpong thom và Kangpong cham. Cùng với hoạt động kết nghĩa của Lực lượng vũ trang Đồng Nai,
như thăm viếng, tặng 300 phần quà cho đồng bào nghèo hai tỉnh kết nghĩa của
Campuchia; khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho gần 300 người và trao kinh phí
45.000 USD xây dựng bệnh xá Tiểu khu Quân sự Kampong thom.
Đồng Nai kỷ niệm 38 năm Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây
Nam và giúp quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 -
7/1/2017)
Kể từ khi thành lập đến nay, Hội Hữu nghị Việt Nam -
Campuchia đã góp phần cùng nhân dân Đồng Nai vun đắp cho quan hệ hữu nghị láng
giềng truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia, phù hợp với điều
kiện của tỉnh và của Hội. Hội đã thực hiện có hiệu quả vai trò cầu nối trong
giao lưu, trao đổi các đoàn; hợp tác trên các lĩnh vực đầu tư kinh tế, văn hóa,
giáo dục, các hoạt động hỗ trợ, nhân đạo. Đặc biệt là chương trình “Ươm mầm hữu
nghị” nhằm góp phần cho thế hệ trẻ hai nước, thế hệ trẻ Đồng Nai cùng với thế hệ
trẻ Kangpong thom và Kangpong cham tiếp tục sát cánh bên nhau, cùng đắp xây cho
cuộc sống hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân mỗi nước, cùng giữ gìn đường
biên giới hòa bình hữu nghị mãi mãi vững bền.
Nhìn về quá khứ, để tự tin hướng đến tương lai,
chúng ta tin rằng tình đoàn kết, hữu nghị láng giềng Việt Nam - Campuchia trong
lịch sử, sẽ nở hoa thơm, kết trái đẹp trong tương lai, như cố Quốc vương
Norodom Shihanouk từng căn dặn: “Campuchia và Việt Nam là hai nước không thể
tách rời, mối quan hệ quý báu giữa hai nước cần được phát huy trong giai đoạn
xây dựng và phát triển đất nước”.
Trần Thanh Hùng
Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam -
Campuchia tỉnh Đồng Nai