Từ những ngày đầu mở cửa
trong thập niên 90 thế kỷ XX của đất nước, tỉnh Đồng Nai luôn chú trọng mở rộng
hội nhập quốc tế, liên kết với các vùng miền của các quốc gia láng giềng, các
quốc gia phát triển của khu vực và cả thế giới để thu hút đầu tư nước ngoài,
phát triển kinh tế địa phương. Đồng Nai luôn xác định: Mục tiêu của hội nhập là
để phát triển.
Bởi vì trong thời đại
toàn cầu hoá, không một quốc gia nào đứng ngoài hội nhập thế giới. Ngay cả Hoa
Kỳ, Trung Quốc là những nước phát triển đều chú trọng việc tham gia các Hiệp định
FTA, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) cho phát triển kinh tế trong nước. Theo
tài liệu, Hoa Kỳ và Trung Quốc hàng năm thu hút
FDI đứng đầu thế giới từ 100 tỷ USD trở lên và luôn tập trung vào các ngành tạo
việc làm mới.
Về
phía Việt Nam, Công tác Ngoại giao kinh tế đã đóng góp tích cực vào việc thực
hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam hiện có quan hệ kinh tế
- thương mại- đầu tư với 224 thị trường ở tất cả các châu lục, tham gia 500 hiệp
định song phương và đa phương. Cụ thể, năm 2015 là năm bước ngoặt trong đàm
phán các FTA của Việt Nam: kết thúc đàm phán Hiệp định TPP và FTA Việt Nam –
EU. Việt Nam đã trở thành tâm điểm của mạng lưới các FTA gồm 58 đối tác, trong
đó có tất cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, 15
nước G20. Đồng thời, đã có 62 nước đối tác công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế
thị trường thông qua việc đẩy mạnh vận động chính trị, ngoại giao các cấp, mở rộng
diện vận động kết hợp chặt chẽ với đàm phán các FTA và trao đổi kỹ thuật để
thúc đẩy các nước công nhận quy chế thị trường của Việt Nam. Từ những kết quả
nêu trên của công tác ngoại giao kinh tế, Việt Nam đã thu hút được 260 tỷ USD vốn
đầu tư của 18.000 dự án FDI đến từ 103 quốc gia và vùng lãnh thổ; có 50 quốc gia,
tổ chức quốc tế cam kết tài trợ khoản 80 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam.
Xuyên
suốt quá trình mở cửa hội nhập quốc tế tại Đồng Nai, chính quyền luôn đẩy mạnh
việc tìm các đối tác hợp tác trong các lĩnh vực, đồng hành với doanh nghiệp
trong việc tạo môi trường đầu tư cho nhà đầu tư đến Đồng Nai. Đến nay, Tỉnh Đồng
Nai đã thiết lập quan hệ với 20 đối tác tại 9 quốc gia Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,
Trung Quốc, Pháp, Thái Lan, Lào, Campuchia và Ukraine, bao gồm: Tỉnh Hyogo (Nhật
Bản), Tỉnh Gyeongnam (Hàn Quốc); Bang Arkansa (Hoa Kỳ); Tập Đoàn Amata ( Thái
Lan), Cục Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Vùng Kansai ( Nhật Bản)…. Các quan
hệ hợp tác ký kết luôn tập trung vào lĩnh vực đầu tư, giáo dục – đào tạo, khoa
học – kỹ thuật, nông nghiệp, hành chính, văn hóa, du lịch, y tế. Quá trình Đồng
Nai ký kết các thỏa thuận hợp tác luôn bám sát với quá trình mở rộng ngoại giao
kinh tế của Việt Nam, kịp thời thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy xuất
khẩu, tạo việc làm và giảm thiểu tác động tiêu cực bên ngoài. Chính công tác
ngoại giao kinh tế đã góp phần cho Đồng Nai trong nhiều năm liền là tỉnh dẫn đầu
cả nước về thu hút đầu tư FDI và xây dựng khu công nghiệp; tăng trưởng kinh tế
luôn cao, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) đạt bình quân từ 12% trở lên từ năm
1996 đến nay; GRDP trên đầu người năm 2015 đạt 3.089 USD; hạ tầng cơ sở, tốc độ
đô thị hoá phát triển nhanh; ổn định về chính trị, văn hoá- xã hội.
Tuy
nhiên, vẫn còn nhiều trăn trở băn khoăn trong quá trình hội nhập quốc tế của Đồng
Nai. Chúng ta đã có sự vươn lên, bắt kịp sự chuyển mình của khu vực và thế giới
phần nào nhưng so với các địa phương khác trong cả nước và trong khu vực ASEAN
thì vẫn còn một số hạn chế. Sự phát triển của Đồng Nai cần phải theo tiêu chuẩn
đánh giá không chỉ trong nước mà phải của quốc tế, gần nhất là theo tiêu chuẩn
ASEAN. Với vị trí địa kinh tế thuận lợi so với cả nước, Đồng Nai phải đặt cho
mình mục tiêu trở thành Trung tâm của khu vực phía Nam về công nghiệp hoá, thu
hút FDI; trung tâm giao thông quốc tế và nội địa; trung tâm nghiên cứu khoa học
quốc tế; chú trọng bảo tồn sự đa dạng về văn hoá, lịch sử và sinh học; xuất khẩu
nguồn nhân lực chất lượng cao… trong tương lai gần. Việc khai thác hiệu quả các
Thoả thuận ký kết của chính quyền tỉnh với các đối tác nước ngoài sẽ góp phần lớn
lao cho công cuộc xây dựng tỉnh nhà, thúc đẩy hội nhập quốc tế. Điều này đã chứng
tỏ qua các Thoả thuận giữa tỉnh với tỉnh Gyeong nam, tỉnh Hyogo, Cục Kinh tế và
Thương mại Kansai, Tổ chức JICA, Đại học OKLAHOMA, Tập đoàn Amata mang lại lợi
ích về thu hút đầu tư, xây dựng Khu công nghiệp, đào tạo nhân lực, phát triển
công nghệ cao, nông nghiệp.
Để
công cuộc hội nhập quốc tế mang lại hiệu quả thiết thực cho sự phát triển bền vững
của địa phương, Chính quyền Đồng Nai cần quan tâm việc chú trọng nâng cao năng
lực hội nhập quốc tế, công tác ngoại giao kinh tế và khai thác triệt để các lợi
thế so sánh của mình. Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế giúp Đồng Nai tạo nhịp
cầu kết nối cũng như đưa thương hiệu Đồng Nai đến mọi vùng trên thế giới.