Cộng đồng ASEAN đã chính thức thành lập và hoạt động từ
ngày 31-12-2015. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của Hiệp hội
các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Dưới mái nhà chung này, các nước ASEAN sẽ
chung sống, gắn kết, chia sẻ lợi ích phát triển trên chặng đường mới, xây dựng
Cộng đồng ASEAN vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển và hướng tới người
dân.
.JPG)
Các đại biểu tham quan triển lãm hình ảnh ASEAN.
Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN đã thu hút sự quan tâm của
các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Để hưởng ứng và chào đón sự kiện
này, Đồng Nai đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá đến đông đảo
người dân trong đó nổi bật là chương trình giao lưu văn hóa Cộng đồng ASEAN diễn
ra tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh vào tối 30-12-2015.
Tăng cường liên kết
Năm 2015 là năm có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử hình
thành và phát triển của các quốc gia Đông Nam Á nói chung và các nước thành
viên ASEAN nói riêng, trong đó có Việt Nam. Đây là năm tạo dấu ấn lịch sử, ghi
nhận một chặng đường phấn đấu, đồng thời chuẩn bị nền tảng, định hướng và khuôn
khổ cho ASEAN vững bước vào giai đoạn mới, giai đoạn củng cố vững mạnh cộng đồng
hướng tới những mục tiêu liên kết cao hơn. Theo đó, tại Hội nghị thượng đỉnh
ASEAN lần thứ 27 diễn ra ngày 22-11-2015 tại Malaysia, lãnh đạo các quốc gia đã
ký kết Tuyên bố Kuala Lumpur năm 2015 về thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày
31-12.
Trước sự kiện có ý nghĩa quan trọng này, Đồng Nai đã tổ chức
nhiều hoạt động hưởng ứng. Theo Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh
Bùi Ngọc Thanh, Cộng đồng ASEAN ra đời đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử
ASEAN mà trong đó Việt Nam là thành viên “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”.
Để nâng cao hiểu biết, kiến thức xã hội và phát huy vai trò của các tầng lớp
nhân dân trong tỉnh khi Việt Nam chính thức gia nhập cộng đồng, trên địa bàn tỉnh
đã diễn ra nhiều hoạt động, như: tổ chức nói chuyện chuyên đề về ASEAN trong khối
công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, hội trại ASEAN trong đoàn viên thanh
niên và đặc biệt là chương trình giao lưu văn hóa Cộng đồng ASEAN. các hoạt động
đó góp phần củng cố mối quan hệ hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa tỉnh
nói riêng, Việt Nam nói chung với các nước ASEAN. Đây cũng là dịp tuyên truyền
sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về sự kiện đặc biệt này.
.JPG)
Giao lưu văn hóa ASEAN.
Phát biểu chào mừng sự kiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần
Văn Vĩnh nhấn mạnh, việc sớm hiện thực hóa ý tưởng về Cộng đồng ASEAN là một
quyết sách chiến lược thức thời, đúng đắn và có ý nghĩa quan trọng. Cộng đồng
ASEAN kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên, đặc biệt là sự
phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống người dân ở các quốc gia. ASEAN
hiện là thị trường chung của hơn 625 triệu dân với tổng GDP là 2.600 tỷ USD, mở
ra triển vọng lớn về thương mại và đầu tư. Bên cạnh đó, Cộng đồng ASEAN ra đời
sẽ không ngừng củng cố và hợp tác chính trị - an ninh, đảm bảo môi trường hòa
bình, hòa hợp cho nhân dân các nước thành viên, củng cố đoàn kết nội khối bền
chặt, góp phần chăm lo và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân một cách toàn
diện và thực chất.
Hợp tác nhiều mặt
Nằm trong dòng chảy chung của cả nước và khu vực, là tỉnh
thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, thời
gian qua, Đồng Nai đã nỗ lực đóng góp tích cực cho sự phát triển chung, góp phần
nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế địa phương, đẩy mạnh việc hợp
tác kinh tế, giáo dục với các nước thành viên ASEAN. Trong đó, xuất khẩu của Đồng
Nai sang các nước ASEAN giai đoạn 2011-2014 chiếm từ 10-12% tổng kim ngạch xuất
khẩu của tỉnh, đạt gần 800 triệu USD trong 8 tháng của năm 2015 với các mặt
hàng chủ lực như giày da, dệt may, đồ gỗ. Hiện Đồng Nai nằm trong nhóm đầu các
tỉnh thành cả nước thu hút nguồn vốn đầu tư từ các nước ASEAN. Cụ thể tính đến
tháng 7-2015, các nước thuộc ASEAN đã đầu tư 129 dự án với tổng số vốn trên
3,42 tỷ USD vào Đồng Nai, trong đó 3 nước có vốn đầu tư lớn là: Thái Lan,
Singapore và Malaysia.
Cùng với kinh tế, sự hợp tác của tỉnh với các nước cũng được
đẩy mạnh trong đó có giáo dục - đào tạo. Tính đến nay, tỉnh đã triển khai
chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho hai nước bạn Lào và Campuchia với
gần 200 sinh viên. Trong những năm qua, công tác đối ngoại nhân dân với các nước
ASEAN cũng được chú trọng với việc ra đời và phát triển các hội hữu nghị song
phương Việt Nam với các nước Lào, Campuchia, Thái Lan.
Văn hóa - xã hội cũng là một trong 3 trụ cột chính trong Cộng
đồng ASEAN. Văn hóa được cho là con đường ngắn nhất để hiểu biết và gắn kết các
thành viên. Sau khi cộng đồng hình thành, việc giao lưu văn hóa sẽ được đẩy mạnh
đặt ra vấn đề về sự giao thoa văn hóa cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Chanthaphim Latsada - du học sinh Lào, hiện là sinh viên
năm nhất Trường cao đẳng y tế Đồng Nai, cho biết: “Trước khi sang học tập tại Đồng
Nai, em đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về văn hóa Việt như: trang phục, ẩm
thực, phong tục tập quán và đặc biệt là học tiếng Việt. Nhờ đó, em dễ dàng hòa
nhập và phát triển được trong môi trường mới. Văn hóa Việt có nhiều ấn tượng đặc
biệt là áo dài truyền thống. Tuy học tập và tìm hiểu nhiều về văn hóa Việt nhưng
em vẫn thường xuyên mặc trang phục truyền thống Lào mỗi khi đi chùa ở Việt Nam,
tổ chức mừng năm mới theo truyền thống người Lào…”.
Nói về việc giữ gìn bản sắc văn hóa khi hội nhập,
nghệ sĩ nhân dân Giang Mạnh Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch,
cho rằng,trong tiến trình hội nhập, văn hóa được cho là linh hồn dân tộc, là nền
tảng của sự phát triển. Sự vận động của chính trị, kinh tế - xã hội đều mang
tinh thần của văn hóa. Giao lưu bằng văn hóa là hình thức hiệu quả, song phải
giữ được tinh hoa văn hóa dân tộc không thể lẫn lộn. Đồng Nai là mảnh đất có bề
dày về văn hóa, lịch sử, do đó người dân, đặc biệt là các văn nghệ sĩ cũng cần
tập trung sáng tạo, phục hồi, quảng bá những giá trị này đến bạn bè quốc tế
trong quá trình hội nhập.
Thảo Nguyên - BBT